Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Công binh trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Thừa Thiên Huế và chiến dịch Đà Nẵng (1975).


Sau hội nghị Bộ Chính trị tháng 10 năm 1974 và tháng 1 năm 1975, công tác chuẩn bị chiến lược càng được xúc tiến khẩn trương. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công lớn, rộng khắp năm 1975.
Chấp hành chủ trương của Bộ, đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Công binh cử đoàn cán bộ gồm 14 người do đồng chí phó tư lệnh Phạm Văn Diêu dẫn đầu sang Liên Xô để tập huấn về nghệ thuật bảo đảm công trình chiến dịch tác chiến hiệp đồng quy mô tập đoàn quân1. Một đoàn cán bộ do đồng chí Nguyễn Hữu Yên, trưởng phòng tác chiến, đi vào các chiến trường, trước mắt là chiến trường Tây Nguyên để nắm tình hình, chuẩn bị kế hoạch chi viện chiến trường và kế hoạch tham gia cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975.


Ở Tây Nguyên, theo kế hoạch chiến dịch, mặt trận sẽ được chia thành bốn khu vực: Đức Lập và Buôn Ma Thuột là khu vực tác chiến chủ yếu, Cẩm Ga-Thuần Mẫn trên đường 14 là khu vực tác chiến quan trọng, đường 21A và đường 19 là hướng phối hợp và phát triển, Công Tum - Plây Cu là hướng nghi binh. Thực hiện kế hoạch này, bộ đội công binh phải chuẩn bị mạng đường sá trên những địa bàn rộng lớn, nhất là ở khu vực tác chiến chủ yếu xa hậu phương mặt trận. Lực lượng công binh có trung đoàn 7, các phân đội công binh thuộc các sư đoàn 968, 316, 320, 10, các phân đội công binh thuộc Cục hậu cần mặt trận và lực lượng công binh của sư đoàn 470 thuộc Đoàn 559. Tháng 12 năm 1974, Bộ điều tiểu đoàn công binh 47 (sư đoàn 470), sau đó điều tiếp tiểu đoàn 2 (lữ đoàn công binh 299 Quân đoàn 1) tăng cường cho mặt trận. Các đơn vị này được tổ chức thành trung đoàn công binh 575 (ngày 17 tháng 1 năm 1975).
Ngày 22 tháng 9 năm 1974, trung đoàn công binh 7 đưa hai tiểu đoàn và một đại đội tân binh cùng tiểu đoàn công binh thuộc sư đoàn 10 rời khu vực trú quân ở Bắc Công Tum, hành quân vượt gần 300 kilômét đường rừng vào khu vực Đức Lập. Sau một tháng hành quân mang vác nặng giữa mùa mưa lũ, ngày 2 tháng 11 năm 1974, các đơn vị bắt đầu mở đường. Đến ngày 6 tháng 12 năm 1974, các đơn vị đã mở mới 73 kilômét, cải tạo 63 kilômét đường cũ, tạo nên một mạng đường chiến dịch khá vững chắc ở Tây và Tây - Bắc Đức Lập, gồm 5 trục dọc và bốn đường ngang (6B, 20, 21, N1, N5, 140, 22, 23, 128). Trong quá trình lao động, các đơn vị đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn do khối lượng lớn, tiếp tế không thuận lợi. Đầu tháng 1 năm 1975, sau khi tiếp nhận tiểu đoàn 47 (sư đoàn 470), Bộ Tư lệnh mặt trận lập tức cử tiểu đoàn này mang theo ba máy húc hành quân về tây - bắc Đức Lập, mở thêm 50 kilômét các đường 18 và 20K hướng về Buôn Ma Thuột.
Đến cuối tháng 1 năm 1975, các con đường của ta đã áp sát Đức Lập từ phía tây và tây- bắc. Mạng đường này còn tạo điều kiện cho quân ta tiến về Buôn Ma Thuột từ hướng tây-nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đoàn công binh sư đoàn 10 tiếp tục củng cố đường và mở đường cho pháo xe kéo vào trận. Các đơn vị công binh thuộc mặt trận chuyển sang làm đường hướng về thị xã Buôn Ma Thuột
Từ giữa tháng 1 năm 1975, một bộ phận công binh của Mặt trận và công binh sư đoàn 470 bắt đầu bảo đảm đường cho các sư đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật hành quân từ hậu phương mặt trận (Đông Bắc Công Tum-Plây Cu) vào Nam Tây Nguyên. Đường dài khoảng 300 kilômét, nhiều đoạn hiểm trở, phải vượt qua hai con sông Pô Cô, Sê-rê-pốc và nhiều suối lớn. Những trận mưa lớn cuối mùa làm đường  thêm lầy lội, nước sông suối lên to chảy xiết. Trên đường 1B, cán bộ, chiến sĩ công binh đã thức trắng nhiều đêm liên tiếp ở các trạm điều chỉnh giao thông, các bến phà, các ngầm để chỉ đường, hướng dẫn cho bộ đội và binh khí kỹ thuật đi nhanh, gọn, không bị ùn tắc. Cuối tháng 2 năm 1975, một lực lượng chiến đấu lớn của ta đã vào tập kết ở các vị trí quy định đúng thời gian, tuyệt đối bí mật.
Trong lúc đó ở Bắc Tây Nguyên, các hoạt động nghi binh chiến dịch được đẩy mạnh. Từ đầu tháng 11 năm 1974 công binh đã tổ chức các bến phà Pô Cô Hạ, Diên Bình, Đắc Mót cho xe tăng, pháo binh di chuyển trên các đường 14, 18, 220 qua Đắc Tô, Tân Cảnh. Tiểu đoàn 1 trung đoàn công binh 7 mở các đường 220N, 230, 240 xung quanh khu vực Plây Cu. Chính quyền địa phương huy động nhân dân vùng giải phóng đi làm đường, sửa đường rất rầm rộ, tổ chức nhiều cuộc mít tinh hoan nghênh bộ đội ta về giải phóng Công Tum, Plây cu. Những hoạt động này đã thu hút sự chú ý của địch. Chúng tăng cường phòng thủ bắc Tây Nguyên.
Trên hướng Buôn Ma Thuột, công việc chuẩn bị cho trận đánh then chốt được tiến hành gấp rút. Nhiệm vụ của công binh là mở và bảo đảm đường để đánh lớn, hiệp đồng binh chủng, bảo đảm cho binh khí kỹ thuật cơ động, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu.
Buôn Ma Thuột là một thị xã lớn, nằm sâu trong vùng địch kiểm soát. Yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch là tuyệt đối bí mật công việc chuẩn bị để tạo nên bất ngờ, chắc thắng. Hầu hết các đơn vị công binh thuộc mặt trận đều tập trung ở khu vực Buôn Ma Thuột (trung đoàn 7, trung đoàn 575, tiểu đoàn công binh thuộc sư đoàn 316 và một số đơn vị công binh thuộc sư đoàn 470).
Hướng bắc, ngày 31 tháng 1 năm 1975, tiểu đoàn công binh 47 (trung đoàn 575) mang theo hai máy húc sửa chữa khôi phục các đường 48, 50. Sau khi hoàn thành, từ giữa tháng 2 năm 1975, tiểu đoàn mở một trục dọc thứ nhất (dài 60 kilômét) gồm các đường 50B và hai nhánh 50C, 50D. Từ ngày 12 tháng 2 năm 1975, một đại đội thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 7 bắt đầu mở trục dọc thứ hai (dài 75 kilômét) gồm các đường 51 và hai nhánh 57B, 57C. Ngày 22 tháng 2 năm 1975, tiểu đoàn 2 (lữ đoàn công binh 299) được tăng cường cho các lực lượng mở trục dọc thứ hai. Vào gần thị xã, địa hình càng trống trải, lại đang mùa phát rẫy, làm nương, nhân dân trong các "ấp chiến lược" đi lại nhiều, dễ bị lộ. Có đoạn phải mở qua những cánh rừng có nhiều cây to, phải vượt qua nhiều khe suối và chống lầy, trong khi vật liệu rất khan hiếm. Để giữ bí mật, các đơn vị chỉ mở đường đến cách mục tiêu khoảng 20 đến 25 kilômét thì dừng lại. Trục dọc thứ nhất mở đến bản Kơ Hia. Trục dọc thứ hai mở đến suối Cà Tu, là những vùng xa sự kiểm soát của địch. Ở đoạn đường còn lại, các đơn vị chuẩn bị sẵn lực lượng, vật liệu để khi có lệnh sẽ nhanh chóng mở đến mục tiêu trong khoảng thời gian một ngày đêm. Cách mở đường là từ ngoài vào, làm đến đâu ngụy trang tới đó, bộ binh áp sát đến đâu, công binh mở đường tới đó. Những gốc cây to gần nương rẫy của dân, công binh cưa ba phần tư đường kính thân cây sát mặt đất, rồi xoá dấu vết, còn lại một phần tư sẽ cưa nốt trong đêm nổ súng. Các cây con không cần chặt, xe tăng sẽ đè gãy khi tiến công. Các ụ đất cần dọn thì đào lỗ, đặt sẵn thuốc nổ, khi nổ súng sẽ điểm hoả. Vật liệu chống lầy, làm ngầm được dự trữ sẵn ở gần nơi thi công (khoảng ba kilômét), khi có lệnh sẽ chuyển đến.
Phát hiện một số hoạt động của ta, ngày 2 tháng 3 năm 1975, trung đoàn 53 ngụy ở Bản Đôn cho một cánh quân ra càn quét ở khu vực ngầm Cà Tu. Công binh đang làm đường cách Cà Tu khoảng 30 kilômét. Để giữ bí mật, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho công binh tạm ngừng thi công, ngụy trang đường và rút về phía sau. Ngày 6 tháng 3, địch bỏ càn quét , rút quân.
Ngày 1 tháng 3, sư đoàn 968 diệt hai đồn địch trên đường 19 (Tây Công Tum), áp sát quận lỵ Thanh An. Địch buộc phải tăng thêm lực lượng phòng thủ Công Tum, Plây Cu.
Ngày 4 tháng 3, quân ta tiêu diệt một loạt vị trí địch trên đường 19, cắt đứt hai đoạn ở phía đông và tây An Khê. Địch vội điều hai trung đoàn từ Bình Định lên và lữ đoàn kỵ binh số 2 từ Plây cu xuống để giải toả An Khê. chúng ra sức phòng thủ Bắc Tây Nguyên, chủ yếu là Plây Cu.
Lợi dụng sai lầm của địch, bộ đội Tây Nguyên tiếp tục nghi binh và đánh chiếm một số vị trí địch, hình thành thế chia cắt chiến dịch, đồng thời, gấp rút chuẩn bị trận đánh then chốt.
Ở Buôn Ma Thuột, những ngày đầu tháng 3 năm 1975, công binh mở tiếp các đoạn đường còn lại cách mục tiêu khoảng 30 kilômét, đồng thời tổ chức các bến vượt sông Sê-rê-pốc cho binh khí kỹ thuật. Thời gian còn rất ngắn. Chiều ngày 6 tháng 3, ngay sau khi địch rút khỏi ngầm Cà Tu, công binh lập tức triển khai thi công. Đêm làm, ngày nghỉ, lực lượng giấu kín trong các khe sâu. Đến 23 giờ đêm 9 tháng 3, trung đoàn công binh 575 khai thông trục đường 50B, hai nhánh 50C, 50D và tổ chức xong phân đội công binh hộ tống xe tăng. 1giờ sáng ngày 10 tháng 3, trung đoàn công binh 7 hoàn thành các tuyến đường 51, 57B, 57C nối trục dọc thứ hai vào đường của địch và bắt liên lạc với xe tăng.

Phía tây-bắc và tây- nam Buôn Ma Thuột có sông Sê-rê-pốc rộng khoảng 100 mét, dòng chảy sát các vị trí tiền tiêu của địch. Chúng cho rằng quân ta không thể tổ chức cho binh khí kỹ thuật vượt sông với đội hình lớn trên hướng này. Đối với ta, nếu khắc phục được khó khăn về địa hình, mở được mũi tiến công trên hướng này, thì có thể tiến rất nhanh vào các mục tiêu trọng yếu, trong đó có sở chỉ huy trung đoàn 23 ngụy và tiểu khu Đắc Lắc, không phải đột phá qua một vị trí kiên cố nào của địch. Mũi tiến công hiểm yếu ở hướng này còn kết hợp được với hướng tiến công phía bắc thị xã, hình thành thế bao vây, chia cắt địch ngay từ đầu. Do đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo các đơn vị, nhất là công binh, tìm cách khắc phục khó khăn để mở mũi tiến công trên hướng tây-bắc và tây - nam. Khó khăn lớn nhất là bảo đảm qua sông Sê-rê-pốc và làm đường đến các mục tiêu trong thời gian ngắn và giữ bí mật. Ngày 4 tháng 3, tiểu đoàn vượt sông 4 và đại đội 9 (đều thuộc trung đoàn công binh 7) khẩn trương chuẩn bị các bến phà 3A, 3B. Cùng lúc một bộ phận công binh sư đoàn 316 mở đường 20C. Ngày 8 tháng 3, bộ đội công binh bí mật vượt sông Sê-rê-pốc để làm bến và mở đường. Vào lúc 20 giờ ngày 9 tháng 3, tiểu đoàn vượt sông 4 từ vị trí tập kết cách bến gần 30 kilômét bắt đầu hành quân. 1 giờ sáng ngày 10 tháng 3, tiểu đoàn đã ghép xong phà TPP 50 tấn ở bến 3A và một giờ sau ghép xong phà LPP 35 tấn ở bến 3B. 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3, đường ở đây cũng hoàn thành đến sát mục tiêu.
Trên trục dọc 4 ở hướng tây-nam, ngày 3 tháng 3, đại đội 12 (tiểu đoàn vượt sông 4) và tiểu đoàn 2 (đều thuộc trung đoàn công binh 7), bí mật vượt đường số 14 vào làm bến 1A và sửa đường 20F. 19 giờ ngày 9 tháng 3, khi pháo chiến dịch bắn  vào 2 chốt của địch ở cầu Thọ Thành và điểm cao 388, đại đội 12 nhanh chóng vượt đường 12, hành quân ra bến và đến 20 giờ ngày 10 tháng 3 ghép xong phà LPP 35 tấn trên bến 1A.
Phía tây-bắc, tiểu đoàn công binh sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ bảo đảm cho bộ binh vượt sông Sê-rê-pốc ở thượng lưu cách bến phà 3A hơn 1 kilômét. Để giữ bí mật, các chiến sĩ đi xa bến trên 20 kilômét khai thác vật liệu. 140 chiến sĩ vác 1.200 cây tre đưa về bến. 18 giờ 30 phút ngày 8 tháng 3, chiếc cầu nổi bằng tre nứa qua sông Sê-rê-pốc hoàn thành. 2 giờ sáng ngày 9 tháng 3, hai tiểu đoàn bộ binh, các cơ quan trung đoàn bộ, sư đoàn bộ 316 và hai tiểu đoàn trực thuộc qua sông nhanh, gọn, bí mật, an toàn. Trời sáng các chiến sĩ công binh tháo cầu giấu kín. Đêm xuống, cầu được nối lại bảo đảm cho các đơn vị hành quân vào vị trí.
Phía tây-nam, công binh sư đoàn 316 tổ chức một bến qua sông bằng thuyền. Đoạn sông này rộng 150 mét, tốc độ nước chảy 0,7 mét một giây. Công binh đã mượn được bốn thuyền dân và ghép một số mảng bằng tre. Trong hai đêm 8 và 9 tháng 3, một trung đoàn bộ binh, và một bộ phận của cơ quan sư đoàn qua sông bí mật, an toàn.
Đến trước giờ nổ súng, các đơn vị công binh chiến dịch và công binh sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ mở đường, làm bến bảo đảm cho các đơn vị cơ động vào đánh trận then chốt Buôn Ma Thuột. Các yêu cầu về thời gian, bí mật ý định lực lượng được giữ đến phút cuối cùng. Mũi tiến công rất hiểm trên hướng tây-bắc và tây-nam hình thành. Trong bước chuẩn bị này, hai trung đoàn công binh 7 và 575 cùng công binh của sư đoàn 316 đã mở mới và khôi phục 336 kilômét đường, trong đó gần nửa là mở mới, làm ba bến phà cho binh khí kỹ thuật và hai bến (cầu nổi và thuyền) cho bộ binh.
Ở khu vực Cẩm Ga, Thuần Mẫn, công binh sư đoàn 320 đẩy mạnh các mặt hoạt động thực hành chia cắt chiến dịch. Bước vào chuẩn bị từ tháng 10 năm 1974, công binh sư đoàn đã mở bốn trục dọc, bốn đường ngang và một số đường nhánh để triển khai binh khí kỹ thuật. Ngày 10 tháng 2 năm 1975, phát hiện ta hoạt động mạnh ở khu vực này, địch đưa trung đoàn 45 ra càn quét và đóng quân trên đường 14, từ Thuần Mẫn đi Ya-hơ-leo. Để giữ bí mật, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho sư đoàn 320 tạm lui quân. Không phát hiện được bộ đội ta, ngày 3 tháng 3 địch rút quân. Ngay trong đêm 3 tháng 3, sư đoàn 320 lại tiến ra đường 14. Được bộ binh hỗ trợ, công binh tiếp tục thi công và chỉ sau một ngày (đến ngày 4 tháng 3), các tuyến đường đã hoàn thành gồm 303 kilômét đường cơ giới và gần 200 kilômét đường xuất kích của bộ binh. Ngày 8 tháng 3, sư đoàn 320 tiến công, giải phóng khu vực Cẩm Ga-Thuần Mẫn. Quân địch ở Nam Tây Nguyên bị cắt với bắc Tây Nguyên và đồng bằng Trung Bộ.
Ngày 9 tháng 3, sư đoàn 10 nổ súng tiến công Đức Lập, Đắc Song. Ở khu vực Buôn Ma Thuột, 12 trung đoàn bộ binh và binh chủng vào chiếm lĩnh trận địa. Bộ binh đã cách mục tiêu 20 đến 25 kilômét, xe tăng cách 25 đến 30 kilômét. 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, bộ đội đặc công nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, khu hậu cứ trung đoàn 53, kho Mai Hắc Đế, mở đầu trận tiến công Buôn Ma Thuột. Pháo binh bắn liên tục đến 6 giờ sáng làm tê liệt và rối loạn quân địch. Lợi dụng tiếng pháo và lúc quân địch đang hoảng loạn, xe tăng, xe kéo pháo, xe chở bộ binh của ta từ các hướng theo các trục đường công binh đã chuẩn bị ào ào tiến về Buôn Ma Thuột.
Đây là một trận tiến công bằng các lực lượng binh chủng hợp thành trong hành tiến. Kế hoạch tiến quân trên các trục đường, việc bảo đảm vượt sông đã được cơ quan tham mưu tác chiến và cơ quan công binh chiến dịch tính toán rất tỷ mỷ, có dự kiến các tình huống bất trắc và cách xử trí. Kế hoạch được phổ biến đến tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch. Ở các trọng điểm đều có cán bộ chỉ huy điều hành giao thông. Mạng thông tin hữu tuyến và vô tuyến từ các trạm chỉ huy xuống các trọng điểm, các bến phà được thiết lập. Các đơn vị công binh đã mở đoạn đường nào, có trách nhiệm bảo đảm đoạn đường ấy.
Trên trục dọc thứ nhất, tiểu đoàn 47 (trung đoàn công binh 575) bảo đảm cho một trung đoàn của sư đoàn 316, một tiểu đoàn của sư đoàn 10 và xe tăng, pháo bắn thẳng, pháo cao xạ tiến vào vị trí xuất phát tiến công đúng thời gian quy định. 6 giờ sáng ngày 10 tháng 3, đơn vị công binh hộ tống xe tăng bắt đầu nhận nhiệm vụ.
Trên trục dọc thứ hai, trung đoàn công binh 575 cùng công binh trung đoàn 95B dùng thuốc nổ phá đoạn dốc dài năm mét ở phía nam ngầm Kơ Mua; sau đó bảo đảm cho các đơn vị vào vị trí xuất phát tiến công lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975.
Trên trục dọc thứ ba, tiểu đoàn vượt sông 4 cùng một đại đội (đều thuộc trung đoàn công binh 7) bảo đảm hai bến phà 3A, 3B. Các chiến sĩ đã chèo chở đưa được 44 xe, pháo qua sông. Sau khi vượt sông, các đơn vị được công binh sư đoàn 316 tiếp tục bảo đảm tiến vào các vị trí xuất phát tiến công. Hành quân đến ngầm La Khê thì bị máy bay địch đánh phá, chiếc xe tăng đi đầu bị hỏng, đội hình bị ùn lại. Sau hơn hai giờ khắc phục, các đơn vị mới tiếp tục tiến lên. Gặp hào chống tăng của địch, công binh sư đoàn 316 dùng thuốc nổ phá sập hai bờ hào cho xe tăng vượt qua.
Trục dọc thứ tư do một đại đội thuộc tiểu đoàn vượt sông 4 cùng tiểu đoàn 2 (đều thuộc trung đoàn công binh 7) bảo đảm. Trên hướng này do đường dài và địa hình phức tạp nên ta không sử dụng xe tăng, công binh bảo đảm 20 chuyến phà chở pháo lựu, pháo cao xạ, xe vận tải qua sông Sê-rê-pốc. Sau khi vượt sông, từ 7 giờ sáng ngày 10 tháng 3, tiểu đoàn 2 (trung đoàn 7) bảo đảm tiếp vào đến Chư Bơ Lin. Đoạn đường tiếp theo do công binh trung đoàn 3 (sư đoàn 316) bảo đảm. 9 giờ sáng ngày 10 tháng 3, các đơn vị trên hướng này chiếm lĩnh xong trận địa.
Như vậy, đến sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, công binh đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho đội hình binh chủng hợp thành tiến vào các vị trí xuất phát đúng thời gian và an toàn. Các mũi tiến công đã khép chặt vòng vây xung quanh Buôn Ma Thuột.
Trận đánh chiếm thị xã diễn ra ác liệt trong suốt ngày 10 tháng 3 và sáng ngày 11 tháng 3 năm 1975. Công binh các sư đoàn 316, 10 dẫn dắt xe tăng đột phá, đè bẹp các ổ đề kháng của địch.
Sau 32 giờ chiến đấu, vào lúc 10 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1975, thị xã Buôn Ma Thuột được quân ta giải phóng. Trận then chốt mở đầu thắng lợi có phần đóng góp xứng đáng của bộ đội công binh.
Chiều ngày 12 và sáng ngày 13 tháng 3, địch đổ quân xuống đông - bắc sân bay Hòa Bình và một số khu vực trên đường 21A nhằm phối hợp với lực lượng còn lại phản kích, tái chiếm lại thị xã. Ngày 15 và 16 tháng 3, chúng tiếp tục đổ quân xuống Phước An (phía đông Buôn Ma Thuột). Trong năm ngày (từ 14 đến 18 tháng 3), sư đoàn 10 liên tục đánh địch trên đường 21 từ Buôn Ma Thuột đến Phước An (dài 50 kilômét) tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan ý định phản kích của chúng. Đây là thắng lợi lớn thứ hai trong chiến dịch Tây Nguyên. Các đơn vị công binh góp phần quan trọng vào thắng lợi của trận đánh. Ngay trong đêm 15 tháng 3, trung đoàn công binh 7 mở đường 45 nối từ đường 21 sang Đông Nam Phước An. Hai đại đội thuộc trung đoàn công binh 575 mở hai đường vòng lên phía bắc và phía nam Phước An. Công binh đã khắc phục những bãi mìn do địch mới bố trí, bảo đảm cho xe tăng đánh địch co cụm ở Tây Phước An năm kilômét.
Đêm 17 tháng 3, quân ta đuổi địch đến gần Chư Cúc. Chiến sĩ đi cùng chiếc xe tăng đi đầu phát hiện trên đường có mìn. Đội hình tạm dừng lại. Công binh nhanh chóng xuống gỡ mìn cho xe đi. Gặp một cầu đã bị địch phá hỏng, công binh nhanh chóng dùng thuốc nổ làm ngầm. 15 giờ ngày 18 tháng 3, bộ đội ta đến Chư Cúc kịp thời nổ súng tiêu diệt địch.
Mất thị xã Buôn Ma Thuột và Nam Tây Nguyên, kế hoạch phản kích bị đánh bại là những đòn bất ngờ, choáng váng đối với địch. Chúng bắt đầu rối loạn về chỉ đạo chiến lược. Ngày 16 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Tây Nguyên, rút nhanh theo đường số 7 về Tuy Hòa và đồng bằng ven biển.
Đường số 7 từ thị xã Plây Cu chạy qua thị xã Phú Bổn về Củng Sơn, Tuy Hòa, là con đường quan trọng ở Tây Nguyên nhưng đã lâu ngày không sử dụng. Địch cho công binh đi trước mở đường bảo đảm cho cuộc rút chạy.
Trung đoàn công binh 575 cùng các đơn vị công binh sư đoàn 320A đã bám sát địch, nhanh chóng dọn các xe địch vứt bỏ ngổn ngang, sửa cầu, sửa đường, bảo đảm cho bộ binh, xe tăng đánh đuổi địch. Một bộ phận sư đoàn 320A vượt lên trước chặn địch. Ngày 18 tháng 3, quân ta đuổi kịp địch và tiêu diệt một bộ phận ở Phú Bổn. Tiếp đó, sư đoàn 320 phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên diệt toàn bộ quân địch ở Củng Sơn, tụ điểm cuối cùng của chúng trên đường số 7. Đây là trận then chốt thứ ba thắng lợi lớn trong chiến dịch Tây Nguyên. Toàn bộ lực lượng địch rút chạy theo đường số 7 bị chết và bị bắt gần hết. Ta tiêu diệt và bắt sống khoảng 8.000 tên địch, thu trên 1.000 xe các loại và rất nhiều vũ khí, quân dụng.
Cùng thời gian, sư đoàn 320A truy kích địch trên đường số 7, sư đoàn 968 tiến nhanh vào Plây Cu. Sư đoàn công binh 470 (559) cùng các đơn vị bạn vào tiếp quản Công Tum, Plây Cu. Toàn bộ địa bàn chiến lược Tây Nguyên rộng lớn được giải phóng.
Ngày 27 tháng 3, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) được thành lập. Đồng chí Trần Huy Ngọ, chủ nhiệm công binh mặt trận Tây Nguyên chuyển sang làm chủ nhiệm công binh quân đoàn. Trung đoàn công binh 7 thuộc quân đoàn, do đồng chí Trần Đình Thiện làm trung đoàn trưởng. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, các đơn vị nhanh chóng phát triển xuống đồng bằng Khu 5.
Sư đoàn 968 và trung đoàn 95A theo đường số 19 phát triển xuống Quy Nhơn. Ngày 1 tháng 4 năm 1975, tỉnh Bình Định được giải phóng.
Sư đoàn 320A và trung đoàn 95B theo đường số 7 phát triển xuống Tuy Hòa. Trên đường hành quân, công binh đã phá gỡ nhiều mìn, thu dọn xác xe pháo địch bỏ lại. Ngày 31 tháng 3, quân ta đánh chiếm Chóp Chài, Nhân Tháp. Ngày 1 tháng 4 năm 1975, ta diệt địch ở Tuy Hòa, giải phóng tỉnh Phú Yên.
Sư đoàn 10 và trung đoàn 25 theo đường số 21A tiêu diệt lữ đoàn dù 3 ngụy ở đèo Ma Đrắc (Phượng Hoàng), tiến xuống giải phóng Nha Trang (ngày 2 tháng 4), Cam Ranh (ngày 3 tháng 4), và toàn tỉnh Khánh Hòa. Để đẩy nhanh tốc độ tiến công trên đường này, sư đoàn 10 được tăng cường hai đại đội công trình và hai đại đội vượt sông thuộc trung đoàn công binh 7. Công binh đã sửa chữa các đoạn đường địch phá, dọn các máy húc  bị địch đánh hỏng làm vật cản, làm ngầm để khắc phục cầu hỏng... bảo đảm cho sư đoàn tiến công.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng công binh chiếm 18% số tiểu đoàn tham gia chiến dịch (gồm 16 tiểu đoàn, 34 đại đội). Số lượng đông ở cả hai cấp chiến dịch và chiến thuật, nhưng trang bị rất hạn chế. Xe máy, có ba máy húc (trong đó có một máy  thu được của địch) và một số xe vận tải. Phương tiện vượt sông có ba phà TPP 50 tấn và hai phà LPP 35 tấn. Nhiều đơn vị thiếu quân so với biên chế, chưa có kinh nghiệm bảo đảm cho các lực lượng binh chủng hợp thành đánh thành phố, thị xã, đánh thọc sâu. Mặc dù còn những hạn chế như vậy, bộ đội công binh đã nỗ lực vượt bậc, mở được 1.532 kilômét đường cơ giới (trong đó mở mới 714 kilômét); mở 653 kilômét đường cho bộ binh; tổ chức chín bến phà bảo đảm cho 85 xe xích, 3.974 xe bánh lốp; bắc một cầu nổi và một bến thuyền cho bộ binh; làm ba ngầm với tổng chiều dài 260 mét; công binh còn xây dựng 67 sở chỉ huy từ cấp chiến dịch đến cấp trung đoàn, 35 trận địa pháo, mở 14 cửa mở qua bãi mìn cho xe tăng. Trong một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, nhiệm vụ bảo đảm công trình chiến dịch của công binh rất phong phú, có tính nghệ thuật cao. Đây là một trong  những đỉnh cao trong nghệ thuật bảo đảm công trình chiến dịch của Công binh Việt Nam. Bộ đội công binh tham gia chiến dịch Tây Nguyên đã được Bộ chỉ huy chiến dịch khen "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
* 
*      *
 Phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, công binh sư đoàn 324 trên mặt trận Trị-Thiên mở đường kéo pháo từ đường 14 đến Truồi vào điểm cao 651. Đoạn đường này dài 12 kilômét, phải qua nhiều dốc cao. Có bộ binh giúp sức, đường đã được mở thông, tiếp đó công binh xây dựng các trận địa pháo (12 khẩu pháo xe kéo 122, 57 và 85 mi-li-mét) cách địch hơn 1.000 mét. Ngày 8 tháng 3 năm 1975, pháo binh sư đoàn 324 giội bão lửa xuống các cụm cứ điểm địch ở Tây-Nam Huế, mở màn chiến dịch tiến công trên chiến trường Trị - Thiên. Cùng ngày, Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên đồng loạt tiến công các điểm phòng ngự của địch ở Tây Quảng Trị đến Tây-Nam Thừa Thiên, diệt một số căn cứ và một bộ phận sinh lực địch.
Trước những diễn biến mới của tình hình chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến và chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 khẩn trương đưa lực lượng xuống đường số 1 và cắt đường không cho địch rút về Đà Nẵng.
Lữ đoàn công binh 219 (Quân đoàn 2) đang bảo đảm cho Quân đoàn đánh địch ở vùng giáp ranh (Kim Sắc, Núi Bông, Núi Nghệ...) được lệnh chuyển sang bảo đảm cho bộ đội cơ động xuống đường số 1. Ngày 23 tháng 3, lữ đoàn điều một đại đội ra dò gỡ mìn ở các cao điểm 75, 76 trên đường 14 ra La Sơn, đây là vùng giáp ranh nên có nhiều mìn của địch và của ta. Do thời gian gấp rút, công binh không dò gỡ mìn mà làm đường vòng tránh khu vực có mìn. Tiếp đó, ngày 24 tháng 3, lữ đoàn điều tiểu đoàn 3 từ đường 10C ra bảo đảm đường 14 từ Mu Khâm đi La Sơn và đoạn đường số 1 từ Huế vào Thừa Lưu. Trên đường rút về Huế, địch phá sập các cầu lớn: Truồi, La Sơn, Phú Bài để chặn quân ta. Về phía ta, ngày 23 tháng 3, công binh sư đoàn 325 phá sập cầu Bạch Thạch để cắt giao thông địch. Thời gian lúc này rất gấp, cần phải bảo đảm cho lực lượng lớn của ta tiến nhanh về Huế và đưa pháo xuống bắn chặn, không cho địch rút chạy ra cửa biển Tư Hiền và Thuận An. Sáng ngày 25 tháng 3, tiểu đoàn vượt sông 5 (lữ đoàn 219) hành quân cấp tốc từ Nam Đông xuống Truồi và La Sơn. 14 giờ cùng ngày, đơn vị bắt tay ngay vào việc gỡ mìn, làm bến, hạ thủy khí tài. 15 giờ ngày 25 tháng 3, tiểu đoàn ghép xong phà ở bến La Sơn. 17 giờ, ghép xong phà ở bến Truồi. Ngày 27 tháng 3, bắc cầu nổi ở Phú Bài. Cùng ngày 27 tháng 3, tiểu đoàn công binh 17 (sư đoàn 325) sửa xong cầu Bạch Thạch. Cầu đường thông suốt, xe tăng, pháo cao xạ, pháo mặt đất, xe vận tải và bộ binh nhanh chóng tiến về Huế. Ngày 25 tháng 3, bộ đội ta tiêu diệt và đánh tan quân địch đang hoảng loạn rút chạy ra cửa Thuận, cửa Tư Hiền và tiến vào giải phóng cố đô Huế.
Ở Khu 5, các lực lượng vũ trang Quân khu cắt đứt đường số 19, giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm (ngày 15 tháng 3), đánh bại quân địch phản kích, buộc địch rút khỏi Sơn Trà, Trà Bồng, giải phóng vùng giáp ranh rộng lớn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Để phục vụ cho trận đánh chiếm quận lỵ Tiên Phước, bộ đội ta tiến hành nhiều hoạt động nghi binh, thu hút địch ở phía tây và bắc Đà Nẵng. Công binh phối hợp với đặc công đánh phá giao thông và đồn bốt địch, cắt đường số 1 ở đèo Hải Vân. Trung đoàn công binh 83, lữ đoàn bộ binh 52 làm đường kéo pháo tiến về phía Tiên Phước, Phước Lâm. Công binh sư đoàn 2 xây dựng các trận địa pháo ở các cao điểm 228, Đá Đen, 200. Tiểu đoàn vượt sông 25 của quân khu bảo đảm cho pháo xe kéo và bộ binh vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Trung đoàn công binh 270 bảo đảm cho sư đoàn 3 đánh cắt giao thông đường 19 ở khu vực An Khê, cô lập địch ở Khu 6 với Tây Nguyên. Sau đó tiểu đoàn công binh sư đoàn 3 cùng tiểu đoàn công binh 19 (Bình Định) tổ chức hai khu vực chốt ở đèo Thượng An và núi Ngang, đánh bật nhiều đợt phản kích của địch nhằm giải toả giao thông đường 19, giữ quyền làm chủ trục đường quan trọng này.
Thường vụ Khu ủy Khu 5 hạ quyết tâm:"... Phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5". Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, các lực lượng vũ trang quân khu bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy với tinh thần hết sức khẩn trương và mạnh bạo. Các đơn vị công binh đang làm nhiệm vụ ở tuyến giáp ranh nhanh chóng chuyển sang bảo đảm cơ động, chủ yếu là bảo đảm vượt sông, nối đường ta vào đường của địch, hộ tống xe tăng, phá gỡ mìn,v.v. Ngày 24 tháng 3, công binh sư đoàn 2 bảo đảm cho xe tăng tiến vào giải phóng Tam Kỳ. Trung đoàn công binh 83 cấp tốc làm đường từ Ba Hy đến Núi Lửa, đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa, bắn chặn quân địch ở Tam Kỳ, không cho chúng rút chạy. Ngày 25 tháng 3, tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng. Thành phố Đà Nẵng hoàn toàn bị cô lập. Lực lượng địch còn đông (trên 100.000 tên, 70 xe tăng, 114 khẩu pháo...) nhưng đã trở nên hỗn loạn.
Trong cuộc họp ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị khẳng định: Thời cơ chiến lược đã tới. Cần nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ... hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Trước mắt, phải tiêu diệt quân địch ở Đà Nẵng.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch. Bộ Tư lệnh Công binh cử đồng chí Nguyễn Thuận, tham mưu trưởng Binh chủng cùng một số cán bộ thành lập cơ quan công binh chiến dịch.
Tình hình các mặt trận diễn biến rất khẩn trương. Để chỉ đạo kịp thời, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức giao ban hàng ngày, có thành phần các binh chủng, quân chủng tham dự. Nắm được diễn biến hàng ngày trên các mặt trận, các chủ trương, chỉ thị của Bộ, Bộ Tư lệnh Công binh kịp thời tổ chức thực hiện trong Binh chủng. Không khí phấn khởi, sôi động tràn đầy cơ quan. Cán bộ và chiến sĩ người nào cũng hăng hái, mong muốn được góp sức mình vào thắng lợi lịch sử của dân tộc.
Sau khi giải phóng Huế, Quân đoàn 2 tiến về Đà Nẵng từ phía bắc - tây bắc. Đường hành quân chủ yếu là đường 14 cũ, dài trên 72 kilômét. Do bỏ lâu không sử dụng, hai bên đường cây mọc rậm rạp, đặc biệt là đoạn từ đèo Mũi Trâu đến Lộc Mỹ dài 10 kilômét nhiều chỗ bị hư hỏng, có đoạn bãi mìn địch gài dài đến hai kilômét. Lữ đoàn công binh 219 vừa hành quân vừa trinh sát, khắc phục mìn và sửa đường. Do không có xe, công binh phải đi bộ, nên 8 giờ sáng ngày 28 tháng 3 mới đến Hòa Lạc. Với nỗ lực vượt bậc, cán bộ chiến sĩ lữ đoàn công binh 219 đã gỡ mìn, sửa đường, làm hai ngầm, bắc một cầu, làm năm kilômét đường vòng tránh, bảo đảm cho hai tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, hai tiểu đoàn pháo, một tiểu đoàn cao xạ và các đơn vị bộ binh của Quân đoàn tiến vào Đà Nẵng.
Trên đường số 1 từ Huế vào Đà Nẵng, sư đoàn 325 có xe tăng đi đầu đánh địch trong hành tiến. Đến Thừa Lưu, đội hình phải dừng lại vì cầu bị đặc công của ta phá từ trước. Công binh sư đoàn 325 đã nhanh chóng khắc phục cầu cho bộ binh qua sông và tổ chức bến lội cho xe tăng lội nước cách cầu 200 mét về phía hạ lưu. Sau đó, công binh sư đoàn 325 phối hợp với một tiểu đoàn của lữ đoàn công binh 219 dùng ván cầu lát lên cầu đường sắt Thừa Lưu và sửa 300 mét đường ra vào cầu, bảo đảm cho cơ giới qua sông Thừa Lưu thông suốt liên tục. Để chuẩn bị khắc phục cầu Lăng Cô và cầu Nam Ô, trong trường hợp địch phá cầu, lữ đoàn 219 đã chuẩn bị sẵn khí tài TPP. Nhưng do quân ta tiến nhanh, địch không kịp phá cầu. Sư đoàn 325 nhanh chóng tiến vào Đà Nẵng và cùng các đơn vị bạn đánh chiếm bán đảo Sơn Trà.
Hướng tây-nam, sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) từ Thượng Đức theo đường 14B tiến vào Đà Nẵng. Đoạn đường này dài 40 kilômét phải dò gỡ mìn và tổ chức vượt sông. 4 giờ sáng ngày 27 tháng 3, đại đội 2 tiểu đoàn công binh của sư đoàn ghép xong hai phà ở Hà Tân. Do nước chảy xiết, đêm 27 tháng 3 ta chỉ đưa được một khẩu pháo và một xe qua sông. Từ ngày 28 đến 30 tháng 3, công binh chở xong sáu khẩu pháo và các đơn vị của sư đoàn qua sông. Một đại đội của tiểu đoàn công binh đã dò gỡ mìn trên đường 14B, đoạn từ điểm cao 52 đến núi Đất, dài bốn kilômét, bảo đảm cho sư đoàn tiến vào Đà Nẵng.
Hướng nam, sư đoàn 2 (Quân khu 5) phát triển ra Đà Nẵng bằng hai cánh. Một cánh theo đường số 1 và một cánh theo đường Tiên Phước, Phước Hà qua đèo Răm, đường số 105 rồi ra đường số 1. Ngày 28 tháng 3, sư đoàn 2 đánh chiếm Bà Rén. Để ngăn chặn ta, địch đốt phá cầu Bà Rén và thả bom đánh sập cầu Lâu. Xe tăng, pháo binh ta bị nghẽn lại. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lệnh cho sư đoàn 2 không chờ đầy đủ xe tăng, pháo binh mà gấp rút đưa bộ binh và xe tăng lội nước tiến nhanh về Đà Nẵng. Trung đoàn công binh 83 cùng tiểu đoàn công binh vượt sông của quân khu và công binh sư đoàn 2 nhanh chóng làm đường, mở bến đưa xe tăng lội nước qua sông và đưa pháo ra Câu Lâu để bắn vào Đà Nẵng. Toàn bộ số binh khí kỹ thuật theo đường vòng tránh dài 50 kilômét do công binh quân khu đã chuẩn bị trước, đồng thời huy động thuyền của nhân dân địa phương cho bộ đội vượt sông. Đến 11 giờ ngày 29 tháng 3 năm 1975, sư đoàn 2 tiến vào Đà Nẵng.
15 giờ ngày 29 tháng 3 năm 1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng. Chỉ trong 32 giờ ta tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, đánh chiếm được một căn cứ liên hợp mạnh, giải phóng Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam. Quân đoàn 1 ngụy bị tiêu diệt, Quân khu 1 của địch bị xóa bỏ. Âm mưu co cụm bảo toàn lực lượng của địch bị đập tan.
Bắt đầu từ đợt hoạt động phối hợp, kiềm chế địch, khi thời cơ đến phát triển thành chiến dịch hiệp đồng quy mô lớn của hai quân khu và Quân đoàn 2, do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo, chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra rất sôi động, trong chín ngày (từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 3 năm 1975), trên chiều dài 180 kilômét và chiều sâu của các cánh quân từ 35 đến 60 kilômét. Công binh có nhiệm vụ bảo đảm cho các đơn vị cơ động, đánh địch trong hành tiến. Lực lượng tiến công gồm một quân đoàn của Bộ và các sư đoàn, lữ đoàn của hai quân khu (Trị Thiên và Khu 5). Lực lượng công binh tham gia chiến dịch chiếm 13%, nếu tính cả công binh của Đoàn 559 thì số lượng công binh lên đến 19% trong số lực lượng chiến đấu của ta ở mặt trận. Nhờ có mạng đường dài 2.700 kilômét, do công binh và dân quân các địa phương chuẩn bị từ sau hiệp định Pa-ri, nhất là các đầu mút đường rất tiện cho việc nối thông vào mạng đường của địch một cách nhanh chóng, khi bước vào chiến dịch, các đơn vị công binh được bố trí ở những vị trí cơ động nhất, bảo đảm triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, không bị gián đoạn. Khi phát triển tiến công, công binh kịp thời khắc phục các cầu lớn đã bị địch phá hủy, dò gỡ mìn, sửa đường... trong điều kiện địa hình mới lạ, không có trinh sát trước, thiếu trang bị, vật liệu, không có thời gian chuẩn bị trước.
Trong thời gian một tháng (từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1975)quân và dân ta đã giải phóng một địa bàn rộng lớn từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và mở rộng vùng giải phóng ở Nam Bộ đến sát Sài Gòn. Cùng với toàn dân, quân đội ta trong đó có công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến thắng vẻ vang, càng đánh càng mạnh và trưởng thành. Với truyền thống "Mở đường thắng lợi", bộ đội công binh cùng toàn quân, toàn dân phấn khởi bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.





1 nhận xét: