Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

TẾT QUÊ XƯA

    Lúc còn nhỏ, như mọi đứa trẻ ở quê, tôi háo hức mong chờ Tết đến. Tết đến thêm một tuổi, được vui chơi, được mặc quần áo đẹp và đặc biệt là được ăn ngon hơn ngày thường.
    Trước Tết đến cả tháng đã có sự chuẩn bị khá rộn ràng trong từng ngõ xóm. Mọi người hỏi nhau chuẩn bị gạo đỗ, ăn đụng thịt lợn. Cho nhau vài quả cau, lá trầu, hay quả trứng gà. Nhà này luộc xong cho nhà kia mượn nồi. Đi gánh nước ăn từ giếng làng về cho đầy bể.

Thường thì, dăm ba nhà bà con láng giềng rủ nhau “đụng lợn”. Tức là chọn một con lợn ưng ý để nuôi ở một nhà, chờ đến ngày áp Tết mổ thịt chia phần.
Ngày mổ lợn thật vui. Mọi người dậy từ rõ sớm. Trời mù sương, giá lạnh. Một không khí ấm áp trong âm thanh hỗn tạp đan xen : Tiếng cối xay lúa miệt mài. Tiếng chày giã gạo theo nhịp rền vang. Tiếng người rộn rã nói cười, gọi nhau ý ới. Rồi thì lợn kêu, chó sủa, gà đua nhau gáy vang. Người già và trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa hồng luộc bánh.
Tôi dậy rất sớm, lò dò xem các ông bắt lợn, chọc tiết, cạo lông, làm lòng, xẻ thịt. Khi lòng lợn đã luộc chín, vớt ra, đổ một ít gạo tẻ vào nước luộc lòng để nấu cháo. Tan cuộc, mọi người già trẻ chia nhau xì xụp húp bát cháo loãng nóng hổi, thật ngon và ấm bụng. Được quý lắm mới xin được cái bong bóng lợn. Mang về rửa sạch, sấy khô để thổi lên làm bóng. Tựa như trẻ nhỏ chơi bóng bay bây giờ.
Những năm bao cấp ông Chính là trưởng trại chăn nuôi, bà Từ băm bèo cho lơn ăn vì vậy được ưu ái mượn vạc của trại chăn nuôi để luộc bánh chưng, chập tối bắt đầu luộc, đun bằng chấu hoặc cao su (cắt từ lốp xe tải ra). Sáng ra vớt của nhà nào nhà ấy nhận. Nhà tôi qua trại chăn nuôi đi bằng thuyền.
Từ 27 tháng Chạp đến 30 chợ huyện Nam Sách rất đông nhà tôi cách chợ hơn 1 km. Tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đi chợ Huyện. Chợ rộng, rất đông người và đủ loại hàng hóa. Giữa buổi chợ đông hai mẹ con dắt díu nhau lòng vòng đi ngắm chợ, xem người là chính. Mẹ tôi đôi khi có cái gì đấy để bán như hành hay khoai tấy chẳng hạn tiền bán được không nhiều nên cũng chẳng đủ để mua nhiều thứ. Tôi thường sà vào các chỗ bán bánh kẹo và đồ chơi. Đồ chơi đủ loại: trống bỏi, pháo các loại, hoa giấy nhiều màu, cái gì trông cũng thích. Mẹ tôi mua mấy bó mùi già về để đu nước thơm rửa mặt vào sáng mồng 1, vài lạng đường phên, một ít miến, một chai nước mắm…Cuối cùng là vài ống giang tươi để chẻ làm lạt, mấy tệp lá dong và các thứ khác về để gói bánh chưng.
Quê mẹ tôi trên Mạn Đê lúc đó ông ngoại tôi thường làm hoa đi bán và cũng cho nhà tôi một đôi hoa để cắm bắt hương. (Nay hoa này đã mất). Ông tôi năm nào cũng làm bánh gai. Không có lá gai ông thường lấy tro rơm nếp đốt cho vào để tạo thành màu đen.
Tôi thường xin mẹ tiền mua 1 bánh pháo để đốt chung vui vào lúc giao thừa. Hai mẹ con thường dừng lại lâu hơn ở quầy bán quần áo may sẵn. Thứ tôi thích thì mẹ không đủ tiền. Thứ mẹ vừa tiền thì tôi lại không thích. Lật đi lật lại mãi. Dẫu rất thương con, nhưng túi tiến eo hẹp, mẹ tôi chỉ mua được một bộ quần áo vừa phải. Về nhà, quần áo gấp bỏ vào một cái hòm, cất trong buồng. Phải đợi đến sáng Mồng Một Tết tôi mới được mặc quần áo mới. Thuở ấy ai cũng vậy thôi. Quần áo cũ mặc đi làm. Bộ mới nhất để dành đến Tết.
Nhà nuôi trâu. Người ăn tết, trâu cũng phải được ăn tết. Chiều 30 Tết phải đi lấy muống để giành cho trâu ăn ngày mồng 1 và mồng 2 mặc dù lấy muống cho trâu rất rét nhưng vẫn phải lội xuống ao lấy cho đủ ăn 1 hay 2 ngày.
Đi lễ chùa sau giao thừa. Bà ngoại ở với nhà tôi năm nào tôi cũng đi lễ chùa cùng bà. Ở quê nhiều người thích đi lễ chùa sớm để cầu may. Đôi khi vừa giao thừa xong đã thấy tiếng chuông chù vang lên, bà tôi bảo đấy đã có người đi lễ rồi. Nhà tôi thường đi lễ vào tang tảng sáng ra lễ chùa và gặp những người làng cũng đi lễ chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Theo thông lệ ra vườn chùa hái một vài cành lộc về nhà cắm lấy may
Với chúng tôi, bữa ăn ngày 30 Tết là ngon nhất trong năm. Quê nghèo quanh năm ăn uống đạm bạc. Nhưng dẫu nghèo khó đến đâu, ngày 30 Tết mọi nhà đều tổ chức ăn uống tươm tất, thịnh soạn. Cái ngon không chỉ vì thức ăn.
Chơi tết chúng tôi thường sang các bác các chú chúc tết. Đôi khi còn rủ nhau sang Bạch Đa chúc tết nhà bà Năm, hay sang Đụn chúc tết nhà cô Tự (con nuôi cụ Lạp). Chúc tết ở quê ngoại đến nahf nào cũng phải ăn để được may. Lúc nghèo chẳng có gì nhà có mới có món giò chả. Đi ăn cỗ tết được một miếng sao mà thấy ngon thế nhớ mãi đến tận bây giờ. Đôi khi chúng tôi còn sang tận Hải Dương chơi tết.
Tết được ăn ngon không chỉ vì thức ăn. Hơn thế, đó là bữa ăn sum vầy ấm cúng giữa những người ruột thịt trong gia đình, trong nội tộc. Trong bầu không khí huyết thống ấm cúng, là một dịp nhắc nhở, thắt chặt sự đoàn kết, động viên con cháu học tập và làm ăn tốt hơn.
    Xong mọi thủ tục lễ nghĩa, phần còn lại đối với lũ trẻ chúng tôi là vui chơi thỏa thích trong mấy ngày Tết.
    Xa quê, năm hết Tết đến, hồi tưởng lại không khí những ngày Têt thuở thiếu thời vui vẻ, thân thương trong đạm bạc, thanh bần, lòng lâng lâng nỗi nhớ.