Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

KỸ SƯ XE MÁY CÔNG BINH ĐẦU TIÊN CỦA BCCB-TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ CỤM CÁC CÔNG TRÌNH DKI

       

    Ông là Đại tá NGUYỄN QUÝ , tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Quý, sinh ngày 14/11/1933 tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học. Ngay từ nhỏ, ông được gia đình giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí tự lập để vươn lên.

    Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Tháng 8/1945, tuổi còn nhỏ ông đã tham gia vào Đội thiếu niên cứu quốc, cùng với các lực lượng cách mạng đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần nhỏ bé vào thành quả giành độc lập của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông có vinh dự là một trong những thiếu nhi Thủ đô đầu tiên được gặp Bác Hồ sau ngày độc lập.

    Cuối năm 1946, giặc Pháp gây hấn, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã xung phong đầu quân vào lực lượng Thiếu sinh quân và trở thành đội viên Cảm tử quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, rồi cùng Đoàn quân rút vào Chiến khu Việt Bắc trường kỳ kháng chiến.

    Năm 1949, ông được cử đi học Trung học phổ thông tại trường Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên và tốt nghiệp Trung học phổ thông vào năm 1951.

    Chiến dịch Trần Đình 1954 mở ra nhằm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của lực lượng viễn chinh Pháp, ông nằm trong đội hình cánh quân chủ lực phối hợp tiến công tiêu diệt địch góp phần vào chiến công “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc tướng chỉ huy Đờ cát tơ ri phải đầu hàng vô điều kiện, buộc chính phủ Pháp phải ký hiệp định  Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đưa miền Bắc nước ta tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

    Nhằm xây dựng  quân đội chính quy góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam; Tháng 9/1960 ông được quân đội cử đi học Đại học, Khoa Máy xây dựng Khóa 5 trường đại học Bách khoa Hà Nội, đến tháng 4/1965 thì tốt nghiệp. Với tấm bằng kỹ sư Máy xây dựng ông được điều về Binh chủng Công binh, công tác trong ngành Kỹ thuật.

    Với kiến thức học được và yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo cho chiến trường miền Nam, ông đã cùng đồng đội lăn lộn khắp mọi nơi, kể cả tại tuyến lửa Vĩnh Linh- Quảnh Bình, để sửa chữa xe máy công binh, đảm bảo kỹ thuật chi viện cho chiến trường cũng như các nhiệm vụ của Binh chủng Công binh, góp phần cùng Binh chủng Công binh hoàn thành tốt nhiệm vụ. năm 1986- 1987, ông được Bộ Quốc phòng cử đi đào tạo cán bộ Chỉ huy- Tham mưu cao cấp tại Học viện Công binh Qui- Bi - Sép tại Liên Xô.

    Trên nhiều cương vị công tác tại nhiều đơn vị trong quân đội nói chung, binh chủng Công binh nói riêng, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Điển hình tại 3 đơn vị thuộc binh chủng Công binh:

     TRÊN CƯƠNG VỊ GIÁM ĐỐC NM Z49:

    Ông đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà máy từng bước lớn mạnh đáp ứng yêu cầu sửa chữa Xe máy công binh, bảo đảm kỹ thuật cho toàn quân, tạo thương hiệu và uy tín trong hệ thống các nhà máy của Bộ Quốc phòng. Nhiều nhiệm vụ chính trị đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Binh chủng Công binh trực tiếp giao, điển hình như:

- Chế tạo tấm áo kính, phục vụ tang lễ Bác Hồ tháng 9/1969;

- Xây dựng, tu bổ khu nhà sàn Bác Hồ thành khu di tích phục vụ tham quan;

- Chế tạo, lắp dựng hệ thống nhà Cao Cẳng trên quần đảo Trường Sa;

- Xây dựng khối thượng tầng nhà ở và sân bay cho hệ thống các công trình DK1…

    Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông đã xây dựng nhà máy Z49 thành một tập thể đoàn kết gắn bó và tình nghĩa như trong một gia đình.

    TRÊN CƯƠNG VỊ CỤC TRƯỞNG CỤC KỸ THUẬT :

    Ông đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành Kỹ thuật Công binh giỏi về chuyên môn, chặt chẽ trong phối hợp hiệp đồng, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ. Làm tốt chức năng tham mưu sát đúng, kịp thời, hiệu quả, xây dựng cục Kỹ thuật thành một tập thể đoàn kết, năng động, được cấp trên cùng các đơn vị trong Binh chủng và lực lượng Công binh toàn quân tin tưởng.

    Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông luôn quan tâm đến công tác cán bộ; phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận nhằm kế thừa và phát triển trên các cương vị lãnh đạo chỉ huy. Nhiều đồng chí sau này phát triển, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt của Binh chủng và Bộ Quốc phòng.

    TRÊN CƯƠNG VỊ TRƯỞNG BAN DK1:

    Vừa đảm nhiệm Cục trưởng Cục Kỹ thuật, ông vừa kiêm nhiệm Trưởng ban DK1 trong giai đoạn  đầu tiên đầy gian nan, vất vả khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ DK1.

    Tầm nhìn chiến lược khi xây dựng công trình DK1, Đại tá Nguyễn Quý khẳng định: Công đầu phải kể đến Đô đốc Giáp Văn Cương, nguyên Tư lệnh Hải quân. Ngày đó, Đô đốc đã chỉ đạo Lữ đoàn 171 khảo sát thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta và phát hiện 6 bãi đá ngầm san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9-50m. Phía Bắc là Phúc Tần, Huyền Trân, phía Đông Nam là Ba Kè, phía Tây Nam là Tư Chính, nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên và Quế Đường.    

    DK1 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, hoàn toàn mới mẻ đối với ngành xây dựng nói chung, với Công binh nói riêng. Được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên cuối năm 1988 sau sự kiện Gạc Ma, Ông đã cùng tập thể cán bộ kỹ thuật của Cục Kỹ thuật, Viện Kỹ thuật và nhà máy Z49 chỉ đạo nghiên cứu thiết kế, xây dựng công trình từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trên giao. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của các bộ, các ngành: Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Tổng Cục Dầu khí… xây dựng thành công 3 công trình DK1 năm 1989, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao, góp phần khẳng định bảo vệ chủ quyền biển, thềm lục địa Việt Nam.

    Từ kết quả đó, cấp trên đã tin tưởng giao cho BTL Công binh làm chủ đầu tư công trình DK1 và thành lập Ban xây dựng công trình DK1 do ông làm Trưởng ban. Tuy đảm nhiệm cương vị đứng đầu 2 cơ quan (Cục Kỹ thuật và Ban DK1), ông luôn có mặt tại các điểm nóng để chỉ đạo và giải quyết công việc. Ông trực tiếp làm tổng chỉ huy và chỉ đạo các lực lượng tham gia thi công công trình DK1 trên biển, kể cả trong điều kiện thời tiết bất lợi như biển động, sóng to… giúp Ban DK1 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã xây dựng Ban DK1 thành tập thể vững vàng về chuyên môn, thông thạo trình tự đầu tư xây dựng, giỏi về công tác phối hợp hiệp đồng, có uy tín trong toàn quốc và toàn quân về quản lý đầu tư và xây dựng, tạo nền tảng vững chắc và truyền thống cho Ban DK1 (nay là Ban quản lý dự án công trình DK1) hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

    Xây dựng nhà giàn trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là “chiếc phao lớn” làm bằng kim loại neo đậu trên nền đá san hô, tiếp đến là khung nhà liên kết với chân đế vững chắc hơn nhưng sóng to, bão lớn vẫn thường xuyên bị chìm xuống đáy biển. Thế hệ thứ hai là nhà giàn có 4 cọc kim loại cắm xuống nền đá san hô và bê tông cứng, bên trên là 2 tầng nhà.

Và hôm nay, nhà giàn thế hệ thứ ba có 6 cọc kim loại vững chãi, phía trên là 3 tầng nhà, dựng song song, nối với nhà giàn thế hệ thứ hai bằng một cây cầu thép dài khoảng 50m. Một số nhà giàn còn thiết kế bãi đậu trực thăng trên nóc...

"Nhà giàn DK ngoài ý nghĩa thu thập thông tin khoa học về hải dương, kinh tế biển, còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa, tiềm năng dầu khí của Việt Nam". Các nhà giàn trấn giữ phía Nam của quần đảo Tường Sa, bảo về phía Đông của mỏ dầu khí với diện tích khoảng 80.000 km2.

    Ban quản lý DKI được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cùng nhiều Huân chương chiến công, Huân chương bảo vệ Tổ quốc các loại. Đặc biệt, ông cùng tập thể 24 tác giả được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ trong thiết kế, thi công xây dựng hệ thống công trình DK1, khẳng định và bảo vệ chủ quyền Biển và thêm lục địa của Tổ quốc.

    Cá nhân ông còn được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Quân Công, Huân Chương Chiến Công cùng nhiều phần thưởng cao quý khác về thành tích cống hiến của ông cho Quân đội.

    Ông là Đảng viên Lão thành, được tặng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.   

    Nay ông đã sang tuổi 92, lại mang trong mình một căn bệnh trọng. Song với tinh thần người Đảng viên Cộng Sản, Người “lính chiến” đã trải qua 3 cuộc chiến tranh, ông vẫn giữ vững bản lính, kiên cường “Chiến đầu” với căn bệnh của mình và luôn lạc quan yêu đời. Một lần nữa ông lại là tấm gương sáng, một bài học đối với thế hệ trẻ.

    Nhân dịp Mừng Sinh Nhật sang tuổi 92. Kính chúc Ông- Đại tá Nguyễn Quý- Người kỹ sư xe máy công binh đầu tiên của Binh chủng Công binh- Tổng công trình sư nhà giàn DKI tài năng đức độ luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ, trường thọ và mãi hạnh phúc bên gia đình, con, cháu, chắt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét