Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

“CHÙA HỌ PHẠM" VÀ NGÔI MỘ TỔ THẤT LINH CỐT HỌ PHẠM BÌNH ĐỊNH

                                                                                            PHẠM THÚY LAN (sưu tầm và tổng hợp)

Tại vùng Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước tỉnh Bình Định có bốn ngôi chùa được những người họ Phạm xây cất vào cuối thế kỷ XVIII, là Thiên Phước Tự, Thiên Đức Tự, Linh Sơn Tự, Phước Hải Tự trong đó có ngôi chùa Linh Sơn Tự được dân gọi là "CHÙA HỌ PHẠM". Ngôi chùa này ở lưng chừng núi mà chân núi có MỘ TỔ THẤT LINH CỐT HỌ PHẠM (ngôi mộ Tổ Họ Phạm có 7 hài cốt). Điều đó đã thu hút được sự chú ý của nhiều người trong đó có tôi.

Tôi đã tìm mọi cách tìm hiểu và tiếp cận tư liệu về vấn đề này. May thay, tôi được anh Phạm Long Hoàng, Phạm Văn Ngọc, Phạm Văn Phong, người của dòng họ Phạm An Xuyên đã cung cấp cho các tài liệu của bác Phạm Long Hiện (Nhâm Thân-1932 - Quý Ty- 2014), đời thứ X của dòng họ Phạm An Xuyên- Phù Mỹ. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập những nét cơ bản liên quan đến sự hình thành dòng họ Phạm ở huyện Phù Mỹ và Phù Cát tỉnh Bình Định, là dòng họ lớn đã lan tỏa thành nhiều nhánh họ Phạm của tỉnh Bình Định.

Với mong muốn tìm ra tông tích dòng họ mình, bác Phạm Long Hiện đã xuất phát từ 2 nguồn tư liêu: một là, tìm đến chùa Phước Hải ở Cát Minh, Phù Cát, nơi có tư liệu được lưu giữ bằng chữ Hán, do ông Phạm Như Ý dịch và hai là, bản gia phả của họ Phạm ngành Phú Dõng mà tổ là Ngài Phạm Viết Huệ do ông Nội anh Phạm Thắng ở Phú Dõng cất giữ. Từ năm 1992 bác đã đi khắp nơi, không chỉ các huyện trong tỉnh mà còn cả các tỉnh trong vùng như Ninh Thuận, Bình Thuận để tìm tư liệu lập nên bản PHẠM TỘC TÔNG ĐỒ, lại viết cả Lai Lịch Phạm Tộc Tông Đồ kể về quá trình hình thành họ Phạm ở Phù Mỹ, Phù Cát nữa. Bác Phạm Long Hiện đã bán căn hộ ở số 55 đường Lê Thánh Tôn TP Nha Trang, Khánh Hoà để lấy kinh phí đi lại và các hoạt động cần thiết khi làm Tộc phả. Những tư liệu hiện nay của họ Phạm ở 2 huyện Phù Cát & Phù Mỹ, Bình Định có được là nhờ kết quả công trình tìm hiểu này của bác Phạm Long Hiện, nguyên Trưởng Ban Liên lạc Họ Phạm tỉnh Khánh Hòa. Bác đã bỏ cả công, sức, thời gian, tiền của để đi tìm hiểu cội nguồn của mình và của cả dòng họ Phạm 2 huyện Phù Cát & Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Công lao của bác thật lớn, không phải ai cũng có đủ tấm lòng, trình độ, phương pháp và cả … tài chính nữa để làm một công việc vất vả và ý nghĩa cao cả như thế! Thật đáng kính nể và trân trọng!





Tôi xin tóm tắt câu chuyện sau khi đã bước đầu nghiên cứu tư liệu của họ Phạm huyện Phù Cát & Phù Mỹ, Bình Định như sau:

Cách đây gần 300 năm, vào cuối thế kỷ thứ XVIII, nước ta trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vào đời vua Lê Ý Tông (1735 - 1740), ở Đàng Ngoài Uy Nam Vương Trịnh Giang (1729 -1740) nắm quyền bính lại hoang dâm vô đạo, đào hầm dưới lòng đất để ăn chơi, giết hại cả vua lẫn quan, dân tình đói khổ… Trong khi đó ở Đàng Trong các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, chiêu mộ dân Đàng Ngoài vào khai khẩn ruộng đất phì nhiêu mênh mông đang còn bỏ hoang. Trong bối cảnh đó có một đoàn họ Phạm từ xã Lao Khê, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, tinh Hải Dương đã rời quê hương vào Nam làm ăn lập nghiệp. Các ngài lúc đó là Tổng Trấn Cao Bằng, Tổng Đốc Nghệ An, năm 1738 treo ấn từ quan, năm 1739 quyết định đưa cả 3 gia đình di cư vào Nam lập nghiệp, trước khi đi bốc toàn bộ hài cốt của liệt vị Đại Thủy Tổ Tiền Hiền gồm bảy hài cốt mang theo. Đoàn gồm có ba anh em con cụ Phạm Viết Thái là Phạm Viết Trung, Phạm Viết Ninh và Phạm Viết Huệ mang theo 7 hài cốt tổ tiên - ba vị này chính là Tổ Tiên của Họ Phạm ở 2 huyện Phù Cát & Phù Mỹ , Bình Định ngày nay, với hai anh em tộc họ đồng đường cùng đi (không rõ tên).

Trong khoảng thời kỳ đầu, từ năm 1739 đến 1744 rồi tiếp đến 1802, các vị đã tổ chức khai khẩn để cơ bản hình thành được một vùng đất đai rộng lớn của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát bây giờ. Rồi đời nối đời tới nay, sau gần 300 năm, đã có 14 thế hệ với hàng vạn người họ Phạm sinh sống nơi đây. Như vậy là, Họ Phạm ở 2 huyện Phù Cát & Phù Mỹ, Bình Định bắt nguồn từ một ngài PHẠM VIẾT THÁI với ba người con trai là các ông: PHẠM VIẾT TRUNG, PHẠM VIẾT NINH, PHẠM VIẾT HUỆ, đó chính là ĐẠI THỦY TÔ HỌ PHẠM của 2 HUYỆN: PHÙ CÁT & PHÙ MỸ, BÌNH ĐỊNH. Với bao tâm lực, trí lực, công sức Tổ tiên đã tạo nên một vùng cư dân rộng lớn và các dòng họ Phạm: Họ Phạm An Trinh, An Xuyên - Phù Mỹ với Thủy tổ là Phạm Viết Trung; Họ Phạm Đức Phổ - Phù Cát với Thủy Tổ là Phạm Viết Ninh; Họ Phạm Phú Dõng - Phù Cát với Thủy Tổ là Phạm Viết Huệ. (Ai muốn tìm hiểu kỹ, chi tiết về quá trình khai khẩn của Tổ Tiên và hình thành họ Phạm ở Phù Mỹ, Phù Cát xin đọc ở LAI LỊCH PHẠM TỘC TÔNG ĐỒ). Xin xem ảnh LỤC ĐẠI TRƯỞNG NAM DĨ HẠ kèm theo.

Có một điều đặc biêt là Tổ Tiên đã mang theo những bức tượng Phật nhỏ từ Hải Dương vào, đình trú ở đâu là lập Chùa ở đó để tu dồi đạo hạnh! Những tấm gương ấy cao quý và thánh thiện biết bao, từ thượng cổ mấy ai làm được! Ít lâu sau, bên cạnh 3 vị Đại Thủy Tổ còn có thêm hai ngài Phạm Trường Xuân và Phạm Trường Thọ (chưa biết chính xác là con cháu của vị nào trong 5 vị Đại Thuỷ Tổ) đã cùng đi xây dựng chùa chiền.

Thế là hình thành đươc một vùng đất đai và 4 ngôi chùa do người họ Phạm xây từ giữa thế kỷ XVIII: Chùa Thiên Phước ở An Trinh, Mỹ Hiệp, Phù Mỹ (năm 1739); Chùa Long Sơn Tự (Chùa Hang) ở Gia An, Cát Minh, Phù Cát (năm 1740); Chùa Phước Hải ở Đức Phổ, Cát Minh, Phù Cát (năm 1741); Chùa Thiên Đức ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước (1865). Có điều lạ là thường thì tất cả các vị đi tu đều mang họ Thích, riêng 2 Ngài họ Phạm đi tu thì vẫn giữ nguyên họ Phạm, như ngài Phạm Trường Xuân ở chùa Thiên Đức, ngài Phạm Trường Thọ ở chùa Thiên Phước, trong bia mộ cũng như trước cổng chùa đều ghi tên các ngài mang Họ Phạm. Còn Linh Sơn Cổ Tự nằm trong hang đá thì chùa Thờ Tổ Tiên dòng Họ Phạm và được gọi là CHÙA HỌ PHẠM. ...

Bảy bộ hài cốt Đại Thủy tổ mà các ông mang theo từ Hải Dương vào được an táng thành một mộ chung rất lớn dưới chân núi LINH SƠN TỰ tại Lò Đo xứ (Láng Cây sung), thuộc sơn phận thôn Gia An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát ngày nay gọi là ngôi mộ “NHẤT MỘ THẤT CÔT” hoặc “MỘ TỔ THẤT LINH CỐT” là mộ ĐẠI TIỀN HIỀN HỌ PHẠM của họ Phạm ở 2 huyện Phù Cát & Phù Mỹ, Bình Định.

Còn linh vị 3 Ngài Thủy Tổ Phạm Viết Trung, Phạm Viết Ninh và Phạm Viết Huệ được thờ tại Chùa Phước Hải ở Đức Phổ, Cát Minh, Phù Cát cho đến ngày nay. Riêng ngài Phạm Trường Xuân thì thờ ở chùa Thiên Đức, ngài Phạm Trường Thọ thờ ở chùa Thiên Phước là các chùa do các ngài lập nên.

Còn về vùng dân cư, vượt bao nhiêu khó khăn gian nan vất vả, ba ông (từ đây gọi là Tổ Tiên họ Phạm Phù Cát, Phù Mỹ) chọn vùng đất “lợ”, lại gần đường Quốc Lộ 1 để lập cư, có sông La Tinh là ranh giới 2 huyện, và có đầm Đạm Thủy nằm ở cả hai huyện. Nhờ đó mà hậu thế dễ dàng sinh sống bằng đủ thứ nghề: phía trên, nơi có sông nước ngọt thì làm ruộng, trồng màu, chăn nuôi, buôn bán, làm nghề thủ công; phía dưới có biển đầm nước mặn thì làm chài lưới, làm muối, làm mắm,.. Địa thế Phù Mỹ, Phù Cát thì gần chợ, gần sông, gần đầm, gần tỉnh lộ, thuận lợi mọi măt cho đời sống và phát triển.

NHÀ THỜ HỌ PHẠM được dựng từ khoảng những năm 1740 ở An Trinh (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ), nơi đầu tiên tổ tiên đã đình trú khi đến Bình Định. Nhà thờ đã được sửa chữa, tu bổ nhiều lần và lần gần đây nhất là năm 2016. MỘ TỔ THẤT LINH CỐT- ĐẠI THỦY TỔ TIỀN HIỀN HỌ PHẠM qua thời gian cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Cả hai công trình : Nhà thờ họ Phạm và Mộ Tổ Thất Linh Cốt được các ông bà Phạm Đình Thu, Phạm Hồng Nga, Phạm Thành Phước chủ trì đóng góp kinh phí và bà con trong họ kẻ ít người nhiều góp công của để tu tạo lại. Sau hơn 2 tháng thi công, cả hai công trình Nhà thờ họ Phạm và Mộ Tổ Thất linh Cốt – Đại Thủy Tổ Tiền hiền họ Phạm hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã được hoàn thành. Lễ Khánh thành tôn tạo tu bổ đã được long trọng tổ chức theo các nghi thức cổ truyền vào lúc 7 giờ, ngày 12-10-2016 (nhằm ngày 12 tháng 9 Bính Thân) tại Gò Kho, thôn Xuân An (Gia An cũ), xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Trong những cuốn gia phả, những di cảo, tông chi tông đồ lập bằng chữ Hán của Tổ Tiên họ Phạm Phù Mỹ, Phù Cát tỉnh Bình Định có ghi địa danh Đất Tổ hồi bấy giờ, trích nguyên văn như sau:

“Đại Việt quốc, Quảng Nam đạo, Quy Nhơn phủ, Phù Ly huyện, Bài Bàn xã, Gia Hội thôn, Gia An ấp, trú tại Hoa Lư phường, Hoa Phố ấp, cư phụng… Hải Dương đạo, đồng tựu LINH SƠN TỰ trú phụng. Phần mộ Thủy Tổ nghinh cốt lưu đáo Hoa Phố ấp, trí khu Lò Đo. Thất cốt hội táng nhất huyệt tại Tây Phương, mộ phương trường Đại Thủy Tổ tại sơn phận Gia An ấp, cập tử tôn châu long dĩ hạ…. (mạch núi quý như ngọc lưu lại con cháu đời sau)”.

Tôi xin dùng những lời cuối bản LAI LỊCH PHẠM TỘC TÔNG ĐỒ của bác Phạm Long Hiện làm lời kết bài viết sưu tầm và tổng hợp của mình:

Họ Phạm Phù Mỹ và Phù Cát tỉnh Bình Định mang ơn và tự hào về Tổ Tiên của mình, thấm thía rằng “Tổ tiên ta đã dày công khai nghiệp cho con cháu ở cả 8 vùng, hầu hết đều thành đạt, phú túc trên 200 năm (1739 - 1945) kéo dài đến đời thứ 9, qua đời thứ 10 thì sa sút vì đất nước lâm cảnh chiến tranh, ngoại lai làm phân hóa, con cháu phải phiêu bạt. Đời nối đời, hiện nay đã có hàng vạn người họ Phạm ở Bình Định. Hàng vạn người chung huyết thống nhưng ắt có hàng vạn cuộc sống khác nhau. Xin đừng để cuộc sống khác nhau đó chi phối dòng tộc ta, gây xói lở tình đoàn kết anh em, con cháu mà đắc tội với tiền nhân.

Con cháu hãy nhớ rằng:

KIỀU MỘC THIÊN CHI NGUYÊN NHẤT BẢN

TRƯỜNG GIANG VẠN PHÁI THỊ ĐỒNG NGUYÊN

Nghĩa là “Cổ thụ ngàn cành do có một gốc

Sông dài vạn nhánh, quy về một cội”

Xin giữ lời vàng ý ngọc này để làm triết lý cho “đạo làm người”. Còn cuộc sống của chúng ta, xét cho cùng cũng chỉ là giai đoạn, huyết thống mới là “vĩnh hằng” !”.

Riêng tôi, vẫn còn muốn tìm xem Tổ Tiên họ Phạm 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát, tỉnh Bình Đình có nguyên quán tại XÃ LAO KHÊ, HUYỆN TÂN MINH, PHỦ NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG xưa biết đâu lại chính là hậu duệ dòng họ danh giá của Tướng quân Lệnh Công PHẠM CHIÊM thời Ngô Quyền quê ở vùng Trà Hương thuộc lộ Nam Sách Giang, nay là làng Thụy Trà, xã Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương ở ngay gần đó.

Đó là vấn đề cần được hậu duệ của Đại Thủy Tổ với sự gíup sức của giới sử học tìm hiểu, nghiên cứu thêm để kết nối dòng họ thêm sâu rộng, có thêm sức mạnh làm cho họ ta trường tồn và phát triển


(Xin được Phạm Long Hoàng, Phạm Đình Đôn, Phạm Văn Ngọc,...bổ sung và chỉnh lý cho đầy đủ và hoàn chỉnh hơn - hiện bị mất liên lạc với Phạm Hồng Nga).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét