Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

CÂU CHUYỆN CỦA QUẢ THẬN

Image result for quả thậnNhìn thằng ốm yếu đi lại loèo khoèo, sợ nắng, sợ gió, sợ lạnh... Dân gian hay bảo, thằng ấy yếu thận. Cô kia tóc tai xơ xác, đi lại như lá liễu khô trước gió mùa, cũng bảo thận yếu quá rồi, mua cái gì bổ thận đi mà dùng…
Nhưng mà đấy là Dân gian. Còn đi bệnh viện gặp chín ông bác sỹ, mười bà y tá, sợ nhất lại bảo, thận ông/bà có vấn đề… Cẩn thận giữ gìn, thận suy thì hỏng.
Tuy Đông y và Tây y có rạch ròi Thận Tây - Thận Đông khác nhau, nhưng cũng có nhiều điểm giống nhau lắm.


Trươc hết, nói đến Thận trong Đông y, hay Tạng Thận, một trong Ngũ Tạng.
Thận có Thận Âm và Thận Dương.
Những khái niệm Chân âm, Nguyên âm, Nguyên Thủy… Thực chất là Thận Âm.
Còn Thận Dương, còn gọi là Thận Khí, Thận Hỏa, Chân Dương, Nguyên Dương, Chân Hỏa, Mệnh môn Hỏa.
Thận là gốc của Tiên thiên, gốc của sự sống. Thận có sinh thành, phát sinh, phát triển. Thận quyết định bản thể phát triển, quyết định sự phát dục của cơ thể người. Những rối loạn của tạng Thận có tính di truyền, liên quan đến những bệnh bẩm sinh.
Những chức năng chính của Thận liên quan đến các dấu hiệu bệnh lý, dễ nhận thấy nhất gồm:
Thận chủ Thuỷ
Thận cai quản Thủy, tương tự như cơ quan thủy nông của cơ thể. Thận rối loạn dẫn tới phù thũng hay khô kiệt.
Thận chủ Hoả
Hỏa vượng thì bốc hỏa, nóng đầu nhiều, ghét chồng thù con, tức sếp, cãi lộn bạn bè. Hỏa kém thì lạnh trong người, tay chân lạnh, sợ lạnh, sợ tắm, sợ gió…
Người mệt mỏi, hoạt động không có sức.
Thận giữ chức năng bế tàng
Nôm na, Thận là những cái kho chứa. Không nạp được khí, không giữ được Khí sinh Khó thở, mệt mỏi. Không giữ được Thủy thì tiểu nhiều. Không giữ được Hãn, không liễm hãn thì mồ hôi chảy như suối, vã mồ hôi lạnh.
Thận tàng Tinh:
Tinh hoa của Thức ăn, của Trời Đất cơ thể hấp thụ được, tinh hoa của các tạng, phủ cũng được giữ ở Thận. Các triệu chứng hay gặp là: Cơ thể gầy, sút cân, vô lực. Đàn ông hay gặp Di mộng tinh, liệt dương. Ở đàn bà thì Rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm, vô sinh.
Thận chủ kỹ xảo, tác cường chi quan:
Nôm na, khả năng khéo léo, mạnh mẽ của con người nhờ Thận làm chủ.Thận yếu dẫn tới khả năng điều hòa động tác, thực hiện các động tác khéo léo, tinh vi giảm sút, hạn chế.
Thận chủ Cốt tuỷ:
Thận tàng Tinh, Tinh sinh Tủy, Tủy trong xương, nuôi dưỡng, bồi bổ cho xương. Thận khỏe thì răng chắc, xương cứng, tủy dồi dào, tinh mãnh liệt. Nên dân gian hay bảo, Răng chắc thì thằng giặc mới bền.
Thận suy thì Đau nhức trong xương tuỷ, còi xương chậm nhớn, rang lợi hỏng tiệt… Đàn ông thì sợ gái mà liền bà thì lung lay, lạnh nhạt.
Thận khai khiếu ra Tai, sự sung mãn biểu hiện ở Tóc
Cho nên, Thận suy thì Tai ù, điếc, nghễnh ngãng, tai kém hay hử hả…Tóc bạc, khô, dễ rụng.
Thận chủ Tiền âm, Hậu âm.
Tức là chủ hai khiếu chủ trì tiêu và tiểu, tình.Thận suy có thể làm đái, ỉa không tự chủ. Hay dẫn tới xuất tinh sớm hoặc di mộng tinh.
Thận tàng Chí
Thận giữ và làm chủ Ý chí. Thận yếu sinh ý chí kém, tinh thần bạc nhược, rối loạn tình cảm, hay sợ hãi.
Ngược lại, sợ hãi quá mức, khủng hoảng quá mức, bạc nhược quá mức cũng hại đến Thận, gây bệnh cho Thận.
Tạng Thận liên quan đến các Tạng khác trong cơ thể, có tính hai chiều.
Ví như, Can tàng Huyết, Thận sinh Tinh, sinh Tủy để sinh Huyết, Thận yếu thì gan suy, gan suy thì Thận yếu là chắc chắn. Cái này nói lên quan hệ giữa Gan, Thận tương sinh trong Đông y, nhưng trong Tây y cũng vậy, Hội chứng Gan Thận hay gặp, làm nặng nề thêm tình trạng của bệnh nhân nhiều lắm.
Phế chủ về Khí, Thận giữ Khí, Thận yếu thì Khí có nạp nhiều cũng yếu, và Thận có khỏe thì Phế chủ về Khí mới vượng. Phế Thận tương sinh.
Tỳ Thận tương khắc, Tỳ khí hóa thủy dịch, Thận tàng trữ thủy dịch.
Tâm Thận tương khắc. Tâm chủ Huyết, Thận tàng Tinh. Hai bên đều tranh nhau tinh hoa của Trời Đất.
Điểm qua như vậy, để tự mỗi người cũng có thể đoán được tại sao dạo này tự thấy hay mệt mỏi, tinh thần bấn loạn, sợ gió sợ nắng, hay cáu gắt, đau nhức trong xương. Hay vã mồ hôi, răng cỏ lung lay, tình yêu thì như bún…
Khéo, Thận suy rồi đấy.
Đấy là những triệu chứng cơ bản nhất của Thận trong Đông y. Bài này cũng muốn rõ hơn về Thận tổng thể. Gồm cả Thận trong Tây y nữa.
Thận, tiếng Tây gọi là Kidney, Renal gồm hai quả hình hạt đậu nằm hai bên cột sống, ở ngoài phúc mạc. Thận là bộ phận quan trọng nhất của Hệ Tiết niệu và có chức năng hằng định nội môi nhờ điều chỉnh các chất điện giải, duy trì sự ổn định axit-bazơ, điều chỉnh huyết áp. Ngoài ra, Thận cũng còn là một tuyến nội tiết quan trọng.
Đi vào quả thận có động mạch thận, đi ra có tĩnh mạch thận và niệu quản. Trên đỉnh có Tuyến Thượng thận nằm như một cái mũ của thận, nhưng tuyến Thượng thận là một cơ quan riêng biệt với thận.
Nằm phía trước thận là tĩnh mạch chủ bụng, tá tràng, mặt trong đại tràng. Phía trong thận là các bó mạch chủ, động mạch chủ bụng, khối cơ lưng. Sau thận là khối cơ lưng, một phần xương sườn 12, liên quan đến vùng cuối của góc sườn hoành phổi.
Thận nằm trong Hố Thận.
Thận nhận máu từ động mạch chủ, qua động mạch thận, lọc máu cho sạch, thải chất độc, chất hại ra nước tiểu, trả máu sạch về tĩnh mạch Thận để chẩy vào tĩnh mạch chủ bụng. Khác gan, sau khi lọc máu chủ yếu về tĩnh mạch trên gan.
Nếu gan là Nhà máy hóa chất lọc, thải trừ, tổng hợp, chế tạo vi chất cho cơ thể thì Thận chính là nhà máy xử lý nước của cơ thể, xử lý cả chất lượng và khối lượng nước của cơ thể.
Ở Thận, máu được lọc, loại trừ chất thải, chất độc, được làm sạch, được hấp thu Natri và các điện giải cần thiết và bổ sung một số yếu tố quan trọng trước khi đổ lại vào hệ tuần hoàn.
Người ta thường tính, mỗi phút có một lít (1000 ml) máu qua thận, và được thận lọc, tái hấp thu tạo ra nước tiểu đầu, cô đặc và thải ra ngoài khoảng 1 ml nước tiểu. Ngày có 1440 phút, vậy mỗi ngày, người ta có khoảng 1500 ml nước tiểu. Nhiều hơn 2 lít là đa niệu, từ dưới 600 gọi là thiểu niệu, dưới 300 ml/1 ngày gọi là vô niệu.
Nước tiểu chảy qua niệu quản xuống tích ở bàng quang, và theo niệu đạo thải ra ngoài.
Vậy, Thận có các chức năng: Lọc và thải chất độc ra ngoài, cô đặc nước tiểu đầu thành nước tiểu thực sự. Quan trọng không kém, thận còn là một cơ quan nội tiết, tiết Renin, chất chủ trì cho việc chuyển hóa một loại protein trong máu là angiotensinogen biến đổi thành angiotensin I. Angiotensin I đến phổi, do tác dụng của men chuyển (converting enzyme), biến đổi thành angiotensin II. Angiotensin II có vai trò trong điều hòa huyết áp.
Thận tiết ra ErythroPoietin, EPO là tinh chất có quyết định đến việc sinh tạo hồng cầu. Thận suy, gây thiếu máu, cơ thể suy mòn. Bệnh thận cấp, mãn tính gây tăng huyết áp là do cơ chế này. Viêm thận mãn tính tăng huyết áp còn do Hội chứng GoldBlatt, khi Xơ thận gây cản trở dòng máu vào Thận nên áp lực máu tăng cao để đáp ứng.
Thận tham gia vào quá trình tổng hợp vitamin D, là một yếu tố quan trọng đến việc hình thành, phát triển và duy trì cuộc sống của xương trong cơ thể.
Thận suy, xương răng kém là vì vậy.
Thận cũng sản xuất ra Urokinase huỷ fibrin làm tan cục máu đông.
Tóm lại, Thận tham gia vào các công việc sau:
Cô đặc, sinh nước tiểu.
Điều hòa điện giải máu, duy trì cân bằng nước cơ thể,
Tham gia quá trình sản sinh hồng cầu, tham gia quá trình đông - tan máu.
Duy trì sức sống của xương.
Điều hòa huyết áp.
Vì vậy, khi suy thận có các dấu hiệu đầu tiên dễ thấy là:
Rối loạn nước tiểu: Đái ít, thiểu, vô niệu hay đa niệu.
Thiếu máu, rối loạn đông máu.
Phù thũng.
Tăng huyết áp.
Răng, xương yếu.
Suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, da bủng beo, xạm...
Chúng ta thấy có những triệu chứng Đông y và Tây y gần như trùng hợp nhau, thật kỳ lạ. Nhưng Tây y định lượng và chi tiết hóa, còn Đông y định tính nhiều hơn. Là người làm nghề y, kết hợp đông tây y trong chẩn đoán bệnh lý của Thận rất hay, đầy đủ và không bỏ sót.
Còn với người dân, cung cấp thông tin về Thận, cũng là một chức năng mà người bác sỹ phải làm.
Trong bài viết này, tôi không và chưa đề cập chi tiết cấu tạo đại thể, vi thể, cơ chế sinh sản chất tiết hay cơ chế cô đặc, cơ chế tái hấp thu, cơ chế tăng huyết áp. Cơ chế sinh các bệnh lý liên quan đến Thận. Các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận.
Những kiến thức đó, xin để bài viết khác.
Viết 10/7/2017. Sửa 2018.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét