Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Cảm nhận của nhà văn, nhà văn hóa Băng Sơn về Tết



Hoa đào Nhật Tân
Cảm nhận của nhà văn, nhà văn hóa Băng Sơn – tác giả của rất nhiều cuốn sách viết về văn hóa, tục lệ ngày Tết, một người sống rất lâu năm ở Hà Nội sẽ cho chúng ta thấy sự thay đổi rất nhiều của Tết xưa và Tết nay. Nhiều điều đã mất đi mà không phải ai cũng nhận ra được…






Tết đã thay đổi nhiều lắm, nhất là Tết ở thành phố. Chuyện 30 Tết mới có tiền để sắm những vật dụng cần thiết đã ít đi rất nhiều. Trước đây, chuyện 30 Tết mới có chút tiền mua con gà, cân thịt… là phổ biến. Ngày nay, đời sống đã khá giả rất nhiều, người ta chỉ sắm Tết trong vài giờ mà không vất vả như ngày xưa: đi siêu thị, thậm chí chỉ ngồi nhà cũng có thể sắm Tết.


- Nhớ lại Tết xưa, để có nồi bánh chưng sao mà vất vả thế, từ chuyện đi mua lá dong, gạo, thịt, đến rửa lá , nhặt gạo, đỗ…cứ là chuẩn bị hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Những cảnh ngồi rửa lá dưới trời rét căn căm, nhặt từng hạt sạn từ đỗ, gạo, đôi tay đỏ ửng vì giá rét…chắc nhiều bạn trẻ không hình dung ra. Điều buồn nhất là công đoạn gói bánh này gần như không được duy trì tại các gia đình… Người ta chỉ cần có tiền là có bánh ngay. Cái đó có thể thuận tiện thật nhưng họ không biết rằng, mình mất đi một nét văn hóa dân tộc. Không còn cái tất bật, rộn ràng của cái sự chuẩn bị Tết. Con không còn được nhìn hình ảnh người mẹ chiều 26-27 Tết lần dở thùng gạo, sàng sảy, chọn những hạt gạo ngon để gói bánh…Tất cả những điều đó làm cho tình cảm con người gắn bó với nhau nhiều hơn. Đó là hình ảnh đầm ấm, quây quần của gia đình. Nó mang lại niềm vui thiêng liêng về tình cảm máu mủ, ruột thịt. Một niềm vui khác cũng mất đi, đó là đêm ngồi trông nồi bánh chưng. Dưới ánh lửa bếp tình cảm con người như gần nhau hơn…Một số phong tục nữa cũng dần mai một như phong tục tảo mộ, chuyện xông đất, mâm cơm ngày Tết, lễ chùa…

- Thưa nhà văn, dưới góc nhìn văn hóa, ông lý giải như thế nào về sự mai một này?
Có lẽ do cuộc sống tất bật quá, nhịp sống cứ trôi theo dòng chảy không ngừng, con người không còn thời gian mà suy nghĩ, và hoài niệm cái gọi là xa xưa. Tết Việt Nam là Tết sum họp gia đình, ăn Tết với những người thân, thăm hỏi cha mẹ, ông bà, cô chú, nhưng giờ điều này đã phai nhạt rất nhiều. Ngày nay, người ta sống thực dụng hơn. Có người cho rằng, chỉ cần gửi một chút tiền cho người thân là xong …Tôi biết, có nhiều người có tiền cứ mỗi dịp Tết lại rủ nhau đi nước ngoài mà không phải là đi về quê hương thăm hỏi bà con làng mạc. Tình máu mũ đã bị xem nhẹ, mà người ta đề cao niềm vui cá nhân. Rõ ràng những người đó đã nhẹ tinh thần dân tộc, họ hàng, gia đình… Đó chẳng là điều mất hay sao? Rồi lố bịch thay, nhiều người ăn Tết bằng pizza, bánh Tây Tàu mà quên đi những món ăn truyền thống như bánh chưng xanh , thịt mỡ dưa hành hay miếng mứt ngọt ngào làm từ hương liệu quê hương…

- Thưa nhà văn, đằng sau sự mai một hiển hiện rõ mà rất nhiều nhà văn hóa đã lên tiếng cảnh báo, cái mà chúng ta sẽ mất lớn nhất là gì?
Đó chính là mất đi nét văn hóa cổ truyền, bản sắc dân tộc. Nghĩa là chúng ta đang đánh mất chính mình. Cái mất ở đây không thể đánh giá bằng tiền cụ thể. Con cháu chúng ta đang rất thiệt thòi vì không được sống trong bầu không khí thấm đẫm bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì chính những bản sắc mới tạo nên con người Việt Nam.

- Một điều nữa mà nhiều người thấy rõ, đó là sự biến tướng của nhiều tập tục Tết xưa. Nếu như Tết xưa, việc lễ Tết cha mẹ, thầy cô thể hiện sự biết ơn, kính trọng bậc sinh thành, người trên…thì lễ Tết nay bị người ta lạm dụng thành việc biếu xén, hối lộ…Ông nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy, điều này ngày càng bị lạm dụng đến mức làm tha hóa con người. Mừng tuổi đôi khi bị biến tướng thành sự hối lộ ngầm. Nó là mặt trái của thị trường. Rõ ràng, với một số người mới giàu xổi, đời sống vật chất đang đi lên nhưng đời sống tinh thần lại nghèo đi. Họ không phân biệt được rằng, cái mới và cái hay khác nhau, cái cũ và cái tốt khác nhau. Có những thứ mới chưa chắc đã hay, nhưng có những cái cũ nhưng không xấu. Ngày nay, chúng ta đang lo về bản sắc. Chúng ta luôn kêu gọi phải giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc nhưng giữ gìn được đến đâu thì còn khó lắm. Điều này phải trông chờ vào sự giáo dục của chính mỗi gia đình.

- Xin cảm ơn nhà văn!


Chợ Tết ngày xưa được người Việt coi trọng, có khi đó là cả tháng đi sắm chợ Tết mới xong. 1 nét chữ của ông đồ thể hiện nét thi vị hay cành đào làm thắm sắc ngày Tết

Tết Nguyên Đán là dịp sum họp, quây quần của tất cả thành viên trong gia đình. Cùng nhìn lại ngày Tết từ xưa đến nay. Một lần nữa thấy được những thay đổi của không khí Tết và quan niệm về ngày Tết.

Có người bảo, thời bao cấp, quanh năm là lo toan, vất vả, chỉ 3 ngày Tết là sung túc, nhàn nhã. Vì vậy, để có 1 ngày Tết sung túc, người ta phải chuẩn bị cả tháng trời. Dạo quanh những khu chợ để thấy không khí Tết của nước ta thời bao cấp nhé. 




Những hình ảnh Tết thời bao cấp



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét