Sau
gần 40 năm, từ lúc vào trường cho đến hôm nay, giờ chúng tôi cũng gần như đã
nghỉ hưu cả rồi, nhưng mỗi lần gặp nhau là một lần như trẻ lại, được sống những
giây phút đẹp nhất của cuộc đời, của một thời thanh niên sôi nổi. Điều khác biệt
một chút là thời thanh niên sôi nổi ấy của chúng tôi trải qua ở nước Nga XôViết
xa xôi.
Anh
em chúng tôi được Quân đội lựa chọn cho đi đào tạo sĩ quan Phòng hóa tại Trường
Phòng hóa Tam Bốp Liên Xô. Từ khi Trường bắt đầu nhận đào tạo học viên Việt Nam
cho đến thời kỳ Liên Xô tan rã, chúng tôi có cả thảy 9 lớp với tổng số 42 đồng
chí, gồm 3 lớp đào tạo kỹ sư và 6 lớp đào tạo chỉ huy tham mưu dài hạn. Lớp đầu
tiên vào trường năm 1978 và lớp cuối cùng là lớp khóa (1987 – 1992) nhưng năm
1991đã tốt nghiệp, sớm hơn một năm do Liên Xô tan rã; đông nhất là giai đoạn
1980 – 1986. Đó là lúc anh em chúng tôi đông vui nhất, đỉnh điểm là Tết nguyên
đán năm 1982, lúc đó có đến 32 người. Với một số lượng đông như thế nên trong bất
kỳ các hoạt động gì của Khoa Ngoại quốc, kể cả việc học tập, anh em chúng tôi
cũng thường “áp đảo” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; và là những học viên luôn
được các thầy cô, bạn bè và mọi người quý mến. Cùng học có các bạn đến từ các
nước XHCN như Mông Cổ, Cu Ba, Hung-ga-ri, CHDC Đức, Đông dương có Lào và sau
này là Cam-pu-chia; Tây á có các bạn đến từ Sy-ri; Y-ê-men, I-rắc,
Áp-ga-nit-xtan; châu Phi có Công-gô, Ang-gô-la, Tan-da-nia…
Thành
phố Tam Bốp nơi chúng tôi ở là một thành phố nhỏ, lâu đời, nằm ở miền trung nước
Nga, cách Thủ đô Mat-xkơ-va khoảng hơn 400km về phía đông nam nối với nhau bằng
đường bộ và đường sắt. Từ Tam Bốp tiện đường xe lửa và đường bộ đi tiếp xuống đông
nam là thành phố Vôn-ga-grát anh hùng, đến tận miền sông Đông, miền đất nổi tiếng trong tác phẩm “Sông Đông êm đềm” của
Đại văn hào Nga M.A.Sô-lô-khốp. Phía tây nam, theo đượng bộ và đường sắt có thể
đi tới các vùng phía đông nam của U-krai-na, đến tận thành phố cảng Ô-đet-xa
bên bờ biển Đen thơ mộng. Ngược lên đông bắc có thể đi ô tô đến các thành phổ cổ
kính của Nga trên “vành đai Vàng nước Nga” như I-a-rô-xlap, Vla-đi-mia,
Kot-xtrôm-ma, hay U-li-a-nốp, quê hương của Lê-nin vĩ đại… Tam Bốp còn được biết
đến như là vựa lúa mỳ của nước Nga với đất đai phì nhiêu mầu mỡ; nơi đây được mệnh
danh là vùng “đất đen” của nước Nga; người dân nơi đây hiền lành chất phác, tấm
lòng rộng mở. Trước năm 1984, ngoài số học viên chúng tôi, ở Tam Bốp không có
người Việt Nam. Sau năm 1984 có một số đồng chí ở Quân chủng PK- KQ sang học bổ
túc ngắn hạn và sau này có thêm một ít anh chị em sang hợp tác lao động tại các
nhà máy trong địa bàn tỉnh Tam Bốp.
Được
sống và học tập ở nước Nga vào thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi
luôn nghĩ rằng mình thật sự là người may mắn nhưng cũng có nhiều nuối tiếc. May
mắn vì được sống vào thời kỳ rực rỡ nhất của Liên Xô XHCN, nhất là sau Đại hội
Đảng Công sản Liên Xô lần thứ XXVII, được học tập trên quê hương Cách mạng
tháng Mười vĩ đại, đất nước của Lê-nin, đất nước của hòa bình và đoàn kết nhân
loại, được mang kiến thức tiên tiến về phục vụ quân đội, phục vụ đất nước. Nuối
tiếc là phải chứng kiến thời kỳ Liên Xô biến động, nhất là về nhân sự. Chỉ
trong vòng 6 năm đã có 4 lần thay Tổng Bí thư của Đảng vì lớp các đồng chí già
lần lượt ra đi và không lâu sau đó, nhất là anh em khóa cuối, đã phải chứng kiến
cảnh Liên Xô tan vỡ. Đó là một nghịch lý
của lịch sử nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng có thể đó là một lựa chọn của lịch
sử, của nhân dân Liên Xô nói chung và nhân dân các dân tộc Nga nói riêng. Người
xưa có câu: “qua cơn bĩ cực tới ngày thái lai”; sóng gió rồi sẽ qua đi, ánh
dương đang dần trở lại với nước Nga như lời một bài hát Nga nào đó mà tôi đã từng
nghe. Đó là những gì chúng tôi biết về họ và luôn tin tưởng họ. Với chúng tôi,
chúng tôi không bao giờ quên đất nước Nga, đất nước Liên Xô hùng vĩ và tươi đẹp,
con người cương trực nhưng cũng giàu lòng vị tha và mến khách. Cảm ơn nhân dân
Liên Xô đã cho chúng tôi được sống những ngày tươi đẹp, những ngày sôi nổi nhất
của cuộc đời. Sau khi về nước, phần lớn 42 anh em chúng tôi đã về phục vụ trong
Binh chủng Hóa học QĐND Việt Nam, cấp hàm cao nhất là Đại tá, chức vụ cao nhất
là Phó Tư lệnh Binh chủng, nhiều đồng chí là cán bộ cấp Cục, cấp Phòng, Chủ nhiệm
Hóa học các quân khu, quân chủng, binh chủng và hầu hết đã nghỉ hưu, nghỉ công
tác; có những người đã mất. Giờ thì mỗi người mỗi nơi nhưng cơ bản vẫn thường
xuyên liên lạc với nhau và khi có điều kiện vẫn tụ tập về bên nhau, thường thì
dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười (07/11) hoặc ngày thành lập Quân đội NDVN
(22/12) hằng năm. Bên mái đầu đã bạc, các bạn vẫn vui tươi sôi nổi như ngày
nào, cùng nhau hát lên những bài hát bằng tiếng Nga mà 40 năm trước đã từng
cùng nhau hát như : Thời thanh niên sôi nổi, Ngày chiến thắng, Chiều
Mat-xcơ-va, Ca-chiu-sa, Đôi bờ, Triệu Bông Hồng…, đôi khi làm những người ngồi
bên cạnh ngơ ngác vì thấy chúng tôi đang cùng nhau say sưa ca hát bằng một thứ
ngôn ngữ mà không phải ngôn ngữ của họ.
Trong
cuộc đời của mỗi con người có rất nhiều kí ức, nhiều kỷ niệm, nhiều mối quan hệ
khác nhau nhưng với anh em chúng tôi, cựu học viên Trường Phòng hóa Tam Bốp đã
và sẽ vẫn luôn mãi mãi bên nhau, luôn mãi mãi ghi nhớ công ơn các thầy cô, của
Nhân dân Nga, của Nhân dân Liên Xô và luôn tự hào về một Thời thanh niên sôi nổi
đã qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét