(TNO) Nằm trọn trong không gian của thôn quê, Bảo tàng Đồng Quê (ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định) không quá hoành tráng nhưng mọi người đặt chân tới đều nể phục. Người ta khâm phục sự tâm huyết và tinh tế trong việc sắp đặt hiện vật của chủ nhân bảo tàng.
Cách đây hơn chục năm, khi có thời gian rảnh, cô giáo Ngô Thị Khiếu thường rong ruổi ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, tìm mua những thứ người ta bỏ đi như cái mâm đồng, nồi đồng, những vật dụng cũ kỹ của nhà nông. Cô Khiếu tìm mua những thứ đó, đơn giản như là một thú vui của mình, chứ chưa bao giờ cô có ý nghĩ sưu tập để rồi sau này sẽ mở bảo tàng trưng bày. Việc sáng lập Bảo tàng Đồng Quê đến với cô giáo Khiếu như một cái duyên. Trong dịp dự khánh thành trường mầm non xã Giao Thịnh, muốn thôn xóm mình có một thư viện nhỏ để mọi người “ra vào”. Ý tưởng của cô nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, có người đề xuất xây khu văn hóa. Chồng cô Khiếu là sĩ quan quân đội được phân đất ở Hà Nội, cô bàn với chồng bán mảnh đất được Nhà nước phân cho, lấy tiền xây bảo tàng. Bảo tàng Đồng Quê được “sinh ra” một cách đơn giản như vậy. Ngày 4.2.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ký quyết định cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Đồng Quê.
Trong khuân viên 5000m², người thăm quan bảo tàng được “đắm” mình trong không gian của miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ cách đây hàng chục năm.
Ngôi nhà, nếp ở là những đặc trưng tiêu của vùng miền. Bảo tàng Đồng Quê có 5 loại nhà tiêu biểu cho vùng đồng bằng Bắc bộ từ bao đời đến nay: Nhà mái rạ tường đất, đại diện cho tầng lớp bần cố nông; nhà gỗ lợp bổi của tầng lớp trung nông; nhà xây lợp ngói nam đại diện cho tầng lớp địa chủ; nhà gác tường lợp ngói tây tiêu biểu cho nhà vùng nông thôn Bắc bộ thập niên 60 - 70; nhà cao tầng tiêu biểu cho kiểu nhà hiện đại hiện nay.
Không chỉ có trẻ em mà cả người lớn ở thành phố cũng rất thích thú khi khám phá các hiện vật trong bảo tàng. Trải qua nửa đời người nhưng nhiều người ở thành phố không biết tên gọi của những nông cụ gắn bó với đời sống người nông dân đồng bằng Bắc bộ xưa kia, hoặc có trường hợp gọi được tên cái quạt - vì nó giống cái quạt nhưng không biết người dân dùng để làm gì. Còn với trẻ nhỏ thì quả là một thế giới lạ lẫm, bởi vì tất cả đều xa lạ với chúng. Nếu có tìm hiểu qua sách báo, các con cũng rất khó hình dung ra được người nông dân trước kia họ sử dụng ra sao.
Thăm bảo tàng, người xem cũng hình dung ra được cảnh vất vả, cực nhọc của người nông dân trong quá trình "chế biến" hạt thóc thành hạt gạo: từ khi gặt lúa về, rồi người nông dân tách lúa ra khỏi bông ra sao; phân thóc lép, thóc mẩy bằng cách nào; xay lúa thành gạo ra sao.
Bảo tàng Đồng Quê dành riêng một tầng để trưng bày các đồ dùng gắn bó với đời sống của người nông dân trước đây. Hiện tại, bảo tàng có bộ sưu tập 200 nồi đồng, 200 mâm đồng, 50 chậu đồng, hơn 100 chiếc đèn cổ... Mỗi chủng loại có đủ kích cỡ, từ nhỏ nhất đến lớn nhất.
Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét