Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

CÔNG BINH NHỮNG NGÀY NÀY 40 NĂM TRƯỚC

 Lực lượng Công binh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975

Công binh bảo đảm vượt sông tiến vào
giải phóng Sài Gòn năm 1975


Sau hơn 1 tháng tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã trên 35% lực lượng địch, loại khỏi vòng chiến đấu 2 Quân khu, 2 Quân đoàn, phá hủy trên 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng, giải phóng 12 tỉnh với 8 triệu dân. Các lực lượng vũ trang ta càng đánh càng mạnh. Nhân dân cả nước từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn vô cùng phấn khởi, hết lòng, hết sức tham gia sự nghiệp hoàn thành giải phóng miền Nam.



Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp nhận định: “Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch,... Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc”.
Thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Công binh nhanh chóng điều động các Trung đoàn vượt sông 239, 249, Trung đoàn công trình 279 và cử nhiều cán bộ vào chiến trường.
Cả nước ra trận. Các đoàn xe, đoàn tàu,... đều hướng về Sài Gòn. Theo sự phân công của Nhà nước, Bộ Giao thông đảm nhiệm đường, cầu trên miền Bắc, từ đường số 9 trở ra, có Công binh tăng cường bảo đảm ở một số bến phà cho binh khí kỹ thuật nặng qua sông. Từ đường số 9 trở vào do quân đội đảm nhiệm, lưc lượng chủ yếu là Công binh Đoàn 559 và các Quân khu phía Nam.
Trung đoàn vượt sông 239 lên đường và phối thuộc cho Quân khu 5. Sau cuộc hành quân đường dài 800 km, ngày 15 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn đến địa điểm quy định với đầy đủ trang bị. Từ 16 tháng 4, Trung đoàn bắt đầu bảo đảm phà trên các bến Câu Lâu, Bà Rén, An Tân, mỗi bến cách nhau trên 65 km. Sau khi Trung đoàn 239 vào chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Trung đoàn vượt sông 265 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh trên cơ sở 233 cán bộ và chiến sĩ của Trung đoàn 239 để lại, Trung đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Như Cơ.
Thời gian lúc này là lực lượng. Yêu cầu bảo đảm cầu đường cho cuộc hành quân thần tốc của các quân đoàn và binh khí kỹ thuật rất cao. Đường số 1 từ Đông Hà vào Sài Gòn dài 1.155 km, có 614 cầu lớn nhỏ, trong đó có 164 cầu dài từ 52 mét đến trên 1.000 mét. Số cầu bị địch đánh phá hỏng là 53 chiếc. Đường số 14 từ Đắc Tô đến Chơn Thành dài 569 km có 35 cầu, địch phá hỏng chín cầu. Việc khắc phục các cầu bị địch phá hỏng trở thành công việc chủ yếu, cấp bách của các đơn vị Công binh.
Để nhanh chóng đưa các quân đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật vào tham gia chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Công binh bảo đảm cầu đường trên một diện rộng, gồm nhiều trục. Công binh Đoàn 559 tiếp tục duy trì các trục đường Đông và Tây Trường Sơn, đồng thời nhanh chóng đưa một bộ phận lực lượng xuống bảo đảm đường số 1. Ba Trung đoàn Công binh 8, 531, 99 cùng Tiểu đoàn 23, Tiểu đoàn cầu nổi 73, bảo đảm đoạn đường từ Huế đến Cam Ranh. Các đơn vị Công binh thuộc Sư đoàn 470 bảo đảm đường 14 từ Buôn Ma Thuột đến Đồng Xoài. Sư đoàn Công binh 472 bảo đảm đoạn đường từ Kon Tum đi Buôn Ma Thuột, đường 19 từ Plây Cu xuống Quy Nhơn và đường 1A từ Nha Trang đi Phan Rang. Các đơn vị Công binh thuộc Đoàn 559 đã tận dụng khí tài thu được của địch, khai thác vật liệu tại chỗ khôi phục và làm mới 96 cầu, với chiều dài 3.300 mét, trong đó có 68 cầu Be Lây, 15 cầu dầm thép, 5 cầu phao trên các tuyến đường chiến lược 1A, 14, 19, 21,…
Trên đường hành quân, các quân đoàn đều sử dụng Công binh đi cùng binh đội đi trước, hoặc thành lập đội Công binh “bảo đảm vận động” phá gỡ mìn, mở đường vòng tránh, sửa đường, ghép phà,... Do công tác bảo đảm đường, cầu được thực hiện tốt nên cuộc hành quân của các quân đoàn đều thuận lợi. Nhiều đoạn đường có lưu lượng tới 2.000 xe chạy trong 1 ngày đêm, tốc độ trung bình 40 đến 50 km trên một giờ. Quân đoàn 1 xuất phát từ Tam Điệp (Ninh Bình) cuối tháng 3, đơn vị cuối cùng vào tới Đồng Xoài ngày 25 tháng 4 năm 1975. Quân đoàn 2 xuất phát từ Đà Nẵng theo đường 1A, vừa hành quân vừa chiến đấu, đến Đông-Bắc Sài Gòn ngày 20 tháng 4 năm 1975. Quân đoàn 3 hành quân từ Tây Nguyên đến Tây-Bắc Sài Gòn ngày 15 tháng 4 năm 1975. Nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật như tên lửa, ra-đa, pháo cao xạ, pháo mặt đất, xe tăng tiến theo trục đường chiến lược đông Trường Sơn và đường số 1 vào khu tập kết chiến dịch đúng thời gian quy định.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công binh Việt Nam, một lực lượng lớn Công binh gồm hai Sư đoàn, ba Lữ đoàn, 20 Trung đoàn, 30 Tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm đường, cầu cho các quân đoàn chủ lực và các đơn vị  binh khí kỹ thuật với hàng vạn xe, pháo các loại, cơ động đường dài hàng nghìn km vào tham gia chiến dịch. Cuộc hành quân thần tốc diễn ra trong thời gian gần một tháng. Đây là một bất ngờ lớn đối với địch.
Nam Bộ, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân đoàn 4) mở ba tuyến đường Mã Đà - Trảng Bom, Bà Bào - ngã ba Dầu Giây, Tà Lài - núi Chứa Chan và bảo đảm bến phà Vĩnh An cho các đơn vị cùng binh khí kỹ thuật qua sông Đồng Nai tiến công thị xã Xuân Lộc. Tiểu đoàn Công binh 278 (Đoàn 232) bảo đảm đường và các bến Lồ Cồ (qua sông Vàm Cỏ), Bà Tài (qua sông Tà Nông) trên hướng Tây Nam Sài Gòn. Công binh Sư đoàn 5 đưa 2 khẩu pháo 85mm theo đường sông vào lập trận địa ở gò Măng Đa.
Thực hiện kế hoạch đánh cắt quốc lộ số 4 và các tuyến đường thủy, đường bộ ở hướng nam Sài Gòn, bộ đội địa phương, du kích và nhân dân tỉnh Mỹ Tho huy động hàng nghìn lượt người, đêm đêm lên mặt đường đắp mô, ụ trên đường số 4, dựng vật chướng ngại trên kênh Chợ Gạo...
Vòng vây xung quanh Sài Gòn của quân ta ngày càng siết chặt. Sĩ quan cố vấn và nhân viên sứ quán Mỹ bắt đầu di tản khỏi Sài Gòn. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, từng giờ kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm”. Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - chiến dịch Hồ Chí Minh, được thành lập.
Cơ quan Công binh chiến dịch thành lập trên cơ sở cơ quan Công binh Miền, do đồng chí Nguyễn Văn Nhạn (Tham mưu phó Binh chủng Công binh, kiêm Chủ nhiệm Công binh Quân khu 4) làm Chủ nhiệm, đồng chí Nguyễn Ích (Phó chính ủy Binh chủng Công binh) làm Chính ủy.
Sài Gòn - Gia Định là một thành phố lớn có trên 3 triệu dân. Từ khi quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy, quân địch bị thiệt hại nặng và tan rã lớn. Chúng ra sức tập hợp lực lượng, củng cố các tuyến phòng thủ xung quanh sài Gòn để ngăn chặn cuộc tiến công của ta.
Lực lượng của ta tham gia chiến dịch có năm quân đoàn (1, 2, 3, 4 và binh đoàn 232) cùng nhiều đơn vị binh chủng, lực lượng vũ trang Quân khu 7 và Thành đội Sài Gòn - Gia Định. Theo kế hoạch chiến dịch, 5 Quân đoàn binh chủng hợp thành của ta đánh vào Sài Gòn theo 5 hướng, thực hiện bao vây chia cắt tiêu diệt quân địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm vào nội đô; đồng thời tổ chức các mũi đột kích mạnh thọc sâu vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các mục tiêu đã định, từ đó tỏa ra phối hợp với lực lượng tại chỗ, lực lượng chính trị đánh chiếm tất cả các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố.
Thực hiện cách đánh trên đây, việc bảo đảm cơ động cho các binh đoàn chủ lực trở thành nhiệm vụ chủ yếu của công tác bảo đảm công trình chiến dịch. Khu vực Sài Gòn có hệ thống đường giao thông phát triển, chất lượng tốt. Các đường số 1, 13, 15 có 2 làn xe, mặt đường bằng bê tông nhựa. Các đường liên tỉnh số 2, 10, 25, 6, 7,... mặt đường rộng từ 4 đến 5 mét. Xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn dài 30 km, mặt đường rộng 22 mét. Nhưng đây cũng là vùng nhiều sông ngòi, kênh rạch, trong đó sông Nhà Bè rộng 700 mét. Các sông đều chịu ảnh hưởng của thủy triều. Khi thủy triều dâng lên lòng sông rộng thêm. Các hướng tiến vào Sài Gòn đều phải qua cầu, trong đó có nhiều cầu lớn. Nếu địch phá hỏng các cầu này tốc độ tiến công của ta sẽ chậm lại.
Từ ngày 20 tháng 4 năm 1975, các cánh quân lớn của ta bắt đầu triển khai đội hình tiến công Sài Gòn trên các hướng.
Hướng Đông, sau khi giải phóng Phan Rang (ngày 16 tháng 4), Hàm Tân (ngày 22 tháng 4), Quân đoàn 2 phát triển về Sài Gòn theo liên tỉnh lộ 12 và quốc lộ 15. Công binh của Quân đoàn đã gỡ mìn, sửa đường và bảo đảm đường cho các đơn vị đánh địch trong hành tiến. Cầu Cỏ May trên quốc lộ 15 bị địch phá hỏng, Công binh nhanh chóng tổ chức bến phà. Ngày 26 tháng 4, Quân đoàn 2 tiến công căn cứ Nước Trong, ngày 27 tháng 4, chiếm Bà Rịa. Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao cho Tiểu đoàn vượt sông 5 chuẩn bị bảo đảm vượt các sông Đồng Nai, Nhà Bè, Sài Gòn, 1 Đại đội vượt sông phối thuộc Sư đoàn 304, đơn vị thọc sâu của Quân đoàn, 1 Đại đội vượt sông khác chuẩn bị sẵn khí tài bảo đảm vượt sông Cát Lái.
Cũng trên hướng Đông, sau khi giải phóng Xuân lộc (ngày 21 tháng 4) Quân đoàn 4 đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai. Tiểu đoàn Công binh 25 của quân đoàn bảo đảm đường từ Sông Thao - Trảng Bom dài 13 km, làm 4 ngầm qua Sông Thao, Suối Rết. Các Tiểu đoàn Công binh 276 và 282 mở tuyến đường mới từ Dầu Giây đến Hố Nai, trong đó có những đoạn phải chống lầy, làm ngầm, bảo đảm cho Quân đoàn tiến về Hố Nai và phát triển vào Sài Gòn.
Hướng bắc và Đông Bắc, Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) và Trung đoàn Công binh 279 (có 2 Tiểu đoàn, còn Tiểu đoàn thứ ba phối thuộc cho binh đoàn 232) của Bộ phối thuộc, làm ngầm Bến Bào bảo đảm cho Quân Đoàn 1 vượt sông Bé. Sau ngày đầu triển khai làm ngầm Bến Bào, Trung đoàn 279 được lệnh để lại tăng cường cho Trung đoàn 299 gồm 2 máy húc C100, thuốc nổ và một số khí tài cầm tay tiếp tục làm ngầm, còn Trung đoàn 279 đưa lực lượng ra bảo đảm một đoạn 20 km đường từ Đồng Xoài đến ngầm Bến Bào, qua Phước Vĩnh, đồng thời bảo đảm đường từ ngã ba Lệ Xuân (đường 14) đến Nam ngầm Bến Bào. Trong ba ngày (từ 21 đến 23 tháng 4), Trung đoàn 299 đã làm xong ngầm. Đêm 23 tháng 4, 93 xe qua sông. Mặc dù máy bay địch đánh phá quyết liệt (trong các ngày 24 và 25 tháng 4), đường lên xuống ngầm dốc và trơn lầy, nhưng nhờ có tổ máy húc của Lữ đoàn Công binh 279 chi viện, Trung đoàn 299 đã bảo đảm trên 900 xe pháo qua ngầm an toàn.  Trung đoàn 299 còn mở rộng con đường ngang từ Bến Bào sang đường 16 dài 28 km tham gia khắc phục vật cản trên đường 16 và cấu trúc sở chỉ huy các cấp, bảo đảm cho Quân đoàn 1 vào vị trí sớm hơn thời gian quy định. Trong các ngày sau đó, Trung đoàn 299 có một bộ phận tiếp tục bảo đảm ngầm cho bộ đội ta vượt sông, một bộ phận khác chuyển sang bảo đảm đường 16, từ Nam Sông Bé đến suối Nhung, một bộ phận làm nhiệm vụ bảo đảm cho Sư đoàn 320B đánh thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn.
Hướng Tây Bắc, ngày 20 tháng 4 năm 1975, hai Trung đoàn Công binh 7 và 575 đến Chơn Thành bắt tay ngay vào việc bảo đảm 2 trục đường dọc, trong đó trục số 4 từ Bến Củi (liên tỉnh lộ 13) vào tỉnh lộ 14 (Bắc Củ Chi), qua cầu Dầu Tiếng, rồi  theo đường 237 nối vào đường 1 và trục đường 15, mở thêm 4 trục ngang và các đường vòng tránh. Trung đoàn Công binh 7 mở trục dọc số 4, bảo đảm cho Sư đoàn 3 đánh Đồng Dù, Củ Chi. Tiếp đó, Trung đoàn mở đường vòng tránh ở tây Củ Chi bảo đảm cho Sư đoàn 10 thọc sâu theo đường số 1. Trung đoàn Công binh 575 mở trục dọc số 5 song song với trục dọc số 4 bảo đảm cho bộ binh đánh Phú Hòa Đông. Chiều dài các con đường này lên tới 280 km, yêu cầu thời gian gấp. Nhờ địa hình thuận lợi và phát huy khả năng xe máy, 2 Trung đoàn Công binh đã hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian. Trên sông Sài Gòn, phân đội vượt sông ghép hai phà 50 tấn ở Bến Tranh sau đó chuyển sang bắc cầu nổi 16 tấn. Được Công binh bảo đảm cầu đường thông suốt, toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 3 đã vào khu vực triển khai chiến dịch đúng kế hoạch.
Hướng Tây Nam, để vượt qua vùng sình lầy, ít đường sá, Công binh Đoàn 232 dùng thuyền nhỏ chở pháo 105 đã được tháo rời, từ Ba Thu xuống ngã ba Bình Thạnh (dài 30 km), rồi dùng thuyền và máy đẩy đưa pháo theo sông Vàm Cỏ đến vị trí tập kết (ngày 28 tháng 4 năm 1975). Đoàn 232 còn sử dụng xe tăng lội nước có Công binh bảo đảm nhưng tốc độ hành quân vẫn rất chậm. Sáng ngày 30 tháng 4, xe tăng mới vào đến vị trí quy định.
vùng ven thành phố, các đơn vị đặc công, biệt động có nhiệm vụ đánh chiếm và giữ bằng được các cầu lớn như Cầu Bông, Bình Phước, cầu Bình Triệu, cầu xa lộ sông Đồng Nai, cầu xa lộ sông Sài Gòn,... Đây là một chủ trương rất quan trọng và chính xác, vì nếu địch phá hủy các cầu trên Công binh của ta không đủ khả năng bảo đảm vượt sông cho các cánh quân lớn và binh khí kỹ thuật tiến công với tốc độ cao, đồng loạt trên các hướng.
Đến sáng 26 tháng 4 năm 1975, với nỗ lực rất cao, tinh thần tiến công thần tốc, và được Công binh bảo đảm đường, cầu, các Quân đoàn đã vào vị trí triển khai chiến dịch.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tiến công Sài Gòn bắt đầu. Quân đoàn 2 sử dụng Sư đoàn 3 đánh chiếm Vũng Tàu, đại bộ phận lực lượng tiến vào Sài Gòn. Bộ đội Công binh khôi phục cầu sông Buông bị địch phá sập, dọn các xe hỏng địch dùng làm vật cản trên đường và cầu xa lộ. Khi vượt sông Nhà Bè ở bến Cát Lái, 1 xe lội nước (K61) của Công binh chở bộ binh bị hỏa lực địch ngăn chặn phải quay trở lại. Quân đoàn lập tức tổ chức lực lượng chế áp, buộc các tàu xuồng vũ trang của địch phải bỏ chạy tán loạn. Nhưng do lòng sông rộng khi nước thủy triều rút, hai bên bờ sông lầy lội, việc triển khai phà gặp nhiều khó khăn, đội hình của quân đoàn bị ùn lại. Công binh Quân đoàn đã sử dụng 2 bộ phà lớn 200 tấn và 2 phà 20 tấn của địch và các nhân viên điều hành phà hiện có ở bến, bảo đảm cho Quân đoàn vượt sông. Qua được bến Cát Lái, một cánh quân của Quân đoàn 2 nhanh chóng thọc sâu vào Sài Gòn.
Công binh Quân đoàn 4 sửa đường, lấp hố bom, gỡ mìn, bảo đảm cho đội hình thọc sâu của quân đoàn đánh chiếm Hố Nai. Khi đến gần Biên Hòa, gặp cầu Mới bị hỏng, cầu Ghềnh yếu, xe tăng không qua được, Công binh đã bảo đảm chuyển hướng cơ động sang đường xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn đánh chiếm Biên Hòa và tiến về Sài Gòn.
Hướng Bắc, Công binh Quân đoàn 1 bảo đảm cho đội hình tiến công của Quân đoàn vượt qua khu vực lầy lội, dốc trơn ở ngầm Bến Bào, tiến đánh Phú Lợi, Tân Uyên. Tiếp đó, tổ chức lực lượng gỡ mìn, phá các ụ đất, chướng ngại trên đường 13, bảo đảm cho đội hình thọc sâu đánh chiếm các căn cứ Lai Khê, Lái Thiêu và vượt qua các cầu lớn Bình Phước, Bình Triệu do bộ đội đặc công chiếm giữ, tiến vào Sài Gòn.
Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 sử dụng một bộ phận lực lượng đánh địch phản kích ở Trảng Bàng, đội hình thọc sâu đánh địch trong hành tiến vượt qua Củ Chi và Cầu Bông. Nhưng đến Cầu Sáng thì bị trở ngại. Do cầu yếu, chỉ có 2 xe tăng qua được cầu, chiếc thứ ba không qua được vì cầu gãy. Công binh tổ chức ghép phà nhưng lòng sông quá hẹp, phà không quay đầu được phải chuyển sang bắc cầu nổi. Sáng ngày 30 tháng 4 cầu bắc xong. Đội hình thọc sâu của Quân đoàn phải chuyển đường khác để tiến vào Sài Gòn.
Hướng Tây Nam, Đoàn 232 phải khắc phục nhiều khó khăn khi vượt sông Vàm Cỏ Đông ở bến An Ninh và Lộc Giang. Tại bến An Ninh, Tiểu đoàn vượt sông 741 ghép 2 phà TPP. Ngày 28 tháng 4 có thêm 2 phà nữa do được tăng cường một Đại đội (Trung đoàn vượt sông 249 của Bộ). Được Công binh bảo đảm, 593 xe pháo đã qua bến An Ninh. bến Lộc Giang Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn vượt sông 249) cùng 500 dân công chống lầy đường xuống bến. Do đoạn lầy lội dài hơn 1 km, lại phải đề phòng pháo địch từ căn cứ Đức Hòa bắn tới, nên tốc độ thi công chậm. Sau khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, đến ngày 30 tháng 4, đội hình thọc sâu của Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn.
Quân ta tiến tới đâu, rừng cờ cách mạng mọc lên tới đó. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đổ ra đường hân hoan, xúc động đón chào, dẫn đường và phối hợp với bộ đội giải phóng truy lùng địch, tước vũ khí, diệt tề điệp ác ôn.
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.
Ngụy quyền Trung ương sụp đổ, ngụy quyền cơ sở tan rã là thời cơ để quân và dân đồng bằng Nam Bộ đồng loạt tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Trong 2 ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5 năm 1975, các tỉnh Nam Bộ và các đảo trong vùng biển của Tổ quốc được giải phóng.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn, kết thúc chặng đường 30 năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lần lượt đánh bại hai đế quốc to là đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Đỉnh cao của thắng lợi là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kể từ ngày ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là chiến dịch lực lượng Công binh tham gia đông nhất, gồm 2 Sư đoàn, 3 Lữ đoàn, 15 Trung đoàn, 30 Tiểu đoàn và 72 Đại đội, chiếm khoảng trên 20% lực lượng chiến dịch. Công binh đã mở mới hàng trăm km đường, bảo đảm gần 3.000 km, sửa chữa và khôi phục trên 80 cầu sắt với tổng chiều dài gần 300 mét, đã làm hơn 40 ngầm, tổ chức gần 10 bến phà và cầu nổi. Nhiệm vụ bảo đảm cho các quân đoàn cơ động và tác chiến hiệp đồng binh chủng đều rất khẩn trương, trên địa hình mới, có nhiều khó khăn, phần lớn các đơn vị Công binh thiếu trang bị, có loại không đồng bộ. Nhưng với sự nỗ lực cao, tận dụng được vật liệu tại chỗ, bộ đội Công binh đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch. Một lần nữa, ý nghĩa sâu sắc của bốn chữ “Mở đường thắng lợi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho Công binh Việt Nam được thể hiện trên thực tế chiến trường.
Bên cạnh những thắng lợi to lớn đã đạt được trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công binh đã bộc lộ những mặt còn hạn chế, nhất là khả năng khắc phục các cầu lớn, bảo đảm vượt sông rộng cho các lực lượng lớn binh chủng hợp thành. một số bến như Cát Lái, Bến Bào, Cầu Mới, An Ninh, Lộc Giang,... do việc bảo đảm của Công binh gặp khó khăn, đã ảnh hưởng đến tốc độ tiến quân của các quân đoàn. Dự kiến được khó khăn của Công binh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sáng suốt sử dụng bộ đội đặc công đánh chiếm các cầu lớn ở ngoại vi Sài Gòn, bảo đảm các cánh quân của chiến dịch tiến vào Sài Gòn nhanh chóng.
Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, bộ đội Công binh bắt tay ngay vào những công việc cấp bách như gỡ mìn, bảo đảm cầu đường, bảo đảm lễ mừng chiến thắng, thu hồi các tài liệu, xe máy Công binh của địch,...

       Lịch sử Công binh Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ cùng toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:  “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét