Phạm Cự Lượng - Người làng Trà xưa nay là Thụy Trà
Đình thờ Phạm Cự Lượng và 16 sắc phong của các triều đại | ||
Nằm trên một dải đất cổ, cách trung tâm thành phố Nam Định 30km về phía nam, thuộc (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), nơi đây đã ghi lại dấu tích của vị tướng Phạm Cự Lượng có công phò vua giúp nước và trị thủy.
Đền thờ thôn Hưng Nghĩa, có niên hiệu Cảnh Hưng, năm thứ 12 do thám hoa, thượng bộ hạ Nguyễn Huy Oánh ghi cùng với truyền thuyết địa phương, một số dấu tích cũng như các di tích liên quan khác, như hòn đá trội có vết chân người (dài khoảng 1,2m, rộng 0,8m).
Tục truyền vùng này gần biển có sông lớn sóng dữ thường gây tai họa cho thuyền bè qua lại. sau này Lý Thái Tông cầm quân đi dẹp giặc Chiêm Thành qua đây, nhà vua khẩn cầu thần cho được yên ổn nên đổi là Đại An.
Hiện nay vùng đất này còn lưu lại nhiều mảnh sành cổ, những vỏ sò, truyền thuyết về một làng cựu từ ngày xưa thuộc khu Đại Ác, liền với thôn Hưng Lộc còn dấu tích của dòng sông Chảy, chảy qua các cánh đồng “Táo Đông, Táo Tây ”là nơi có đặt bếp nấu ăn từ xa xưa, sông chảy vào vườn hoang là nơi xưa kia nhân dân lui tới, nay thuộc Hưng Nghĩa, rồi thông với sông Đắc Thắng Hạ, tiếp tục chảy ra sông Đáy.
Theo vệt sông này nhân đân đã tìm thấy một số di vật của thuyền lớn bị đắm từ lâu đời. Những địa danh dấu tích cùng với truyền thuyết về một quân doanh của Phạm Cự Lượng cho thấy Hưng Nghĩa có một vị trí quan trọng trong lịch sử.
Phạm Cự Lạng (hay còn gọi là Phạm Cự Lượng 944 – 984) là danh tướng đời Đinh Tiên Hoàng và được Lê Đại Hành phong cho đến chức Thái úy. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong binh biến đưa Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế và Chiến tranh Tống - Việt năm 981.
Phạm Cự Lượng sinh ngày 20 tháng 11 năm Giáp Dần (tức 8 tháng 12 năm 944), người làng Trà Hương, Khúc Giang (nay thuộc Nam Sách, Hải Dương), trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Chiêm, giữ chức Đông giáptướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, làm tham chính đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương (Xương Văn), mẹ là Trần Thị Hồng. Ngay từ nhỏ Phạm Cự Lượng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu.
Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lượng cùng Phạm Hạp đem hơn 2000 người, ngựa từ quê đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh. Phạm Cự Lượng được phong chức Phòng Ngự sứ Tiên phong Tướng quân ra giữ cửa biển Đại Ác.
Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Phạm Cự Lượng được phong Tâm phúc Tướng quân coi việc Thị vệ Quan thân cận của vua.
Năm 979, vua Đinh và Nam Việt vương Liễn bị sát hại (xem bài về Đinh Tiên Hoàng), Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi được lập lên ngôi. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc và anh trai Phạm Cự Lượng là Phạm Hạp thấy uy quyền của Phó vương Lê Hoàn quá lớn bèn khởi binh chống Lê Hoàn nhưng cả ba tướng nhanh chóng bị Lê Hoàn dẹp tan.
Phạm Hạp bị Lê Hoàn xử tử. Tuy vậy, Phạm Cự Lượng vẫn được Lê Hoàn tin dùng làm tướng dưới quyền.
Năm sau, nhà Tống nhân lúc nước Đại Cồ Việt rối ren, liền nảy ý đồ đánh chiếm, sai quan trấn thủ Ung Châu Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn, Triệu Phụng Huân, đem quân theo hai đường thủy bộ vào xâm lược.
Tình thế Đại Cồ Việt vô cùng nguy cấp. Tháng 7 năm ấy, Thái hậu Dương Vân Ngaphong Phạm Cự Lượng làm Đại tướng tiên phong đem quân đi chống giặc. Trước lúc tiến quân, Phạm Cự Lượng hội quân sỹ ở cửa Đào Lâm (nay là thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn), nói rằng:
“Bây giờ quân giặc sắp vào cõi mà chúa thượng hãy còn nhỏ tuổi, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta... chẳng bằng nay ta tôn Thập Đạo Tướng quân lên ngôi Thiên tử đã, rồi sau sẽ xuất quân.”
Quân sỹ nghe nói đều hô vang vạn tuế.
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, Phạm Cự Lượng được phong làm Thái úy. Cuối mùa xuân năm Tân Tỵ (981), mọi mũi tiến quân của quân Tống đều bị quân Đại Cồ Việt đánh bại, tướng Tống là Hầu Nhân Bảo chết trận, quá nửa quân Tống bị diệt, buộc vua Tống xuống chiếu lui quân.
Năm Nhâm Ngọ (982), Phạm Cự Lượng được cử cầm quân đánh Chiêm Thành để trả đũa việc vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt.
Mùa thu năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lượng được vua tin trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hoá ngày nay). Trên đắp thành đường lớn, dưới khai thành sông lớn để lưu thông thủy bộ. Cũng trong năm này, Phạm Cự Lượng còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu (tức Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay).
Ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thân (tức 9 tháng 10 năm 984), Phạm Cự Lượng mắc bệnh sốt rét, mất tại Đồng Cổ, nơi ông đang làm việc, hưởng dương 41 tuổi. Nhà vua thương tiếc sai người đem tướng cữu hồi kinh, an táng tại phía nam Bồ Sơn.
Nhân dân Đồng Cổ ghi nhớ công ơn Phạm tướng quân lúc sinh thời đã có công cứu người nghèo khổ , dạy nhân dân chuyên cần lập nghiệp nên đã lập đền thời ông với thần hiệu: Lê triều tiên phong đại tướng quân, thái úy Đồng Cổ sơn thần ngọc phả các đền có ghi sự việc năm Bảo Đại (1440- 1442)
Tại đồng núi Đồng Cổ có mưa lớn, nước to, cây cối bị đổ, gãy trôi theo dòng nước. Khi ấy có một tảng đá và một cây gỗ lớn trôi về bến Bạch Vân, thôn Hưng Nghĩa, huyện Đại An là nơi xưa kia Đại tướng quân Phạm Cự Lượng đã từng ở để chỉ huy quân bảo vệ phía đông kinh thành Hoa Lư. Cây gỗ trôi dạt vào bến, bị ông già kéo vó nhiều lần đẩy ra nhưng lại trôi về chỗ cũ.
Việc lạ này cùng với việc thần núi Đồng Cổ Phạm Cự Lượng báo mộng cho dân làng về quan hệ của ông với địa phương nên nhân đó, nhân dân địa phương đã lập đền thờ, hàng năm ngày 15/9 dân làng lấy ngày này để tổ chức cúng lễ và coi như ngày giỗ tướng quân Phạm Cự Lượng.
Theo truyền thuyết câu chuyện này kể rằng: Tại ấp làng thôn Hưng Nghĩa có bến Bạch Vân, có lạch sông lớn chảy về tại bến có hai bố con ông già cất vó. Mưa lớn gió to, đêm hôm đó có một cây gỗ trôi về. Ông cụ cất vó dùng sào đẩy ra, đẩy đi đẩy lại nhiều lần nhưng cây gỗ vẫn không trôi đi đâu mà vẫn nằm lơ lửng tại đó.
Ông lão cất vó kêu cầu nếu các vị thần linh đem gỗ về dựng đình chùa thì đêm cho bố con tôi được nhiều cá. Cây gỗ thần dạt vào bờ, trời im gió lặng nên hôm đó hai bố con ông câu được nhiều cá khuân không kịp. Ngay hôm sau cây gỗ thiêng truyền đi khắp vùng. Bẩy ấp còi dong, trống đánh tập chung đến đền Hưng Nghĩa lập đàn kêu mới kéo được cây gỗ lên bờ, dân làng bàn nhau xẻ gỗ xây đền. Mỗi ấp được chia một bánh gỗ về tạc ngai thờ. Còn lõi gỗ làng Hưng Nghĩa đem tạc tượng Phạm Cự Lượng thờ. Khi sẻ đôi thân gỗ ra trong đó có dòng chữ “Lâm Giang Thủ Tướng Phạm Cự Lượng “Còn viên đá, có hình vết chân người (dài 1,2m rộng 0.8m)
Cây gỗ được tạc tượng Phạm Cự Lượng , còn viên đá nằm thẳng trước cổng đình, cách đình 500m.
Hai câu đối và bức đại tự tại trung đình trước chính cung
Cung ngoài cùng (cuốn thư và 2 câu đối ở hai bên) được trạm trổ tinh sảo
Quán tẩy sở được trạm khắc hình con rồng phun nước xuống lá sen (Quán tẩy sở dùng để rửa tay trước khi vào tế lễ)
Vì vậy Bẩy ấp đã coi Đình Hưng Nghĩa là đình Tổng. Hiện nay, trong đình tcòn lưu giữ 16 sắc phong của các triều đại.
1. Duy Tân năm thứ 3 ngày 11-8
2. Duy Tân năm thứ 5 ngày 8/6
3. Thiệu Trị năm thứ 4 ngày 20/5
4. Thiệu Trị năm thứ 4 ngày 28/6
5. Dương Đức năm thứ 3 ngày 29/7
6. Cảnh Hưng năm thứ 8 ngày 8/8
7. Cảnh Hưng năm thứ 4 ngày 16/3
8. Chiêm Thống Nguyên Liên ngày 22/3
9. Đồng Khánh năm thứ 2 ngày 1/7
10. Minh Mạng năm thứ 2 ngày 21/7
11. Cảnh Trị năm thứ 8 ngày 18/4
12. Vĩnh Khánh năm thứ 2 ngày 10/12
13. Tự Đức năm thứ 3 ngày 17/12
14. Tự Đức năm thứ 33 ngày 24/11
15. Khải Định năm thứ 9 ngày 25/7
16. Không có niên hạn
Đây là 3 trong 16 tờ sắc phong
Hiện nay, đền thờ và 16 tờ sắc phong đang trong quá trình xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, bảo tồn và gìn giữ, mong các cơ quan hữu trách quan tâm để di sản lịch sử mãi trường tồn cùng dân tộc.
Lan Anh
Tài liệu tham khảo: Tư liệu chùa Hưng Nghĩa
Qua cuộc khảo sát di tích thuộc địa bàn huyện Phú Bình và Phổ Yên gần đây, Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên đã phát hiện 3 di tích lịch sử văn hoá thờ danh nhân Phạm Cự Lạng-người được phong làm Thái úy, thời vua Lê Hoàn. Đó là các di tích: Đình Đoài, thuộc xóm Ngói, Hà Châu (Phú Bình); đình Hoàng Đàm, xóm Hoàng Đàm, Nam Tiến và đình Thượng Giã, Thuận Thành (Phổ Yên).
Còn có các nơi khác có đền thờ ông:
-Đồng Cổ (tức xã Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa)
-Đa Cái ở Hoan Châu (tức xã Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay-tây nam huyện Hưng Nguyên).
-Đền Lương Sử ở cạnh Văn Miếu, phường Quốc Tử Giám, Hà Nội
-Tại Hưng Lộc (Nghĩa Hưng, Nam Định).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét