Nằm ven dòng sông Tô
Lịch, đất Yên Lãng vẫn được dân gọi nôm na là Kẻ Láng. Đây là vùng đất cổ của
kinh thành Thăng Long xưa. Nhiều lớp lịch sử - văn hóa phủ lên hiện thực đô thị
hóa làm nên hình ảnh lung linh của một vùng đô thị đang phát triển mạnh mẽ trên
nền một miền đất cổ với những nét riêng, độc đáo.
Đất thiêng, chùa Láng
và thánh Láng linh thiêng
Chùa Láng có tên chữ
Hán là “Chiêu Thiền tự” thờ cả Phật và Thánh. Vị thánh được thờ ở đây là Thiền
sư Từ Đạo Hạnh -một nhân vật đặc biệt gắn với nhiều giai thoại Phật giáo huyền
ảo thời Lý. Ông vừa là Người - vừa là Thần, vừa là Vua - vừa là Đạo sĩ, vừa là
Thiền sư - vừa là Thánh của dân gian, đã tối linh trong tâm thức người dân vùng
Láng và các vùng phụ cận ở Thăng Long - Hà Nội.
Chùa Láng và chùa Thầy
là hai nơi thờ chính “Đức thánh Từ”. Chùa Thầy là nơi “Thánh hóa” còn chùa Láng
là nơi “Thánh sinh”. Trong chùa có tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh mặc áo cà sa và
tượng vua Lý Thần Tông - một hóa thân của ngài, ngồi trên ngai vàng. Bức tượng
thánh Từ độc đáo vì được đan bằng mây, ngoài sơn son thếp vàng.
Dân gian xưa có câu
ca: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/ Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Hội Láng
cùng thời điểm với hội Thầy - diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 6 đến mùng 8 tháng
Ba âm lịch. Cách 7 - 10 năm mới có một lần “chính hội” to hơn hẳn các “hội lệ”
hằng năm.
“Chính hội” Láng có
quy mô lớn và kéo dài tới 10 ngày - từ ngày 5 đến ngày rằm tháng Ba âm lịch, lễ
chính vào các ngày mùng 5, 6 và 7. Cũng chẳng biết từ bao giờ dân gian truyền
rằng trước hội ở chùa Thầy và chùa Láng, “đức thánh Từ” thường cho một trận mưa
“rửa đền” làm mát cả lòng người và vạn vật.
Khi Từ Đạo Hạnh trở
thành thiền sư nổi tiếng thì ngôi nhà cũ nơi ông sinh ra và lớn lên trở thành
đền thờ song thân của “đức thánh Láng”. Về sau đền chuyển thành chùa - dân gian
vẫn gọi là chùa Nền. Chùa còn giữ được khám thờ cổ chạm khắc khá tinh vi đề tài
tứ linh phong cách thế kỷ XVII, ngoài hệ thống tượng Phật còn có tượng của Từ
Đạo Hạnh và hai bậc sinh thành.
Sinh thời Giáo sư Trần
Quốc Vượng rất tâm đắc khi chỉ cho học trò những lớp văn hóa tích hợp ở kẻ
Láng. Ông cho rằng cần đầu tư nghiên cứu khoa học lớn hơn, sâu hơn, xứng đáng
với “tầm” của ngôi làng độc đáo này.
Đất lành, húng Láng và
người Láng khó quên
Kẻ Láng xưa gồm cả các
làng Láng - Thượng, Trung và Hạ. Thời Trần, vùng Láng trở thành một trong 61
phường của Thăng Long và nổi danh khắp kinh thành bởi đặc sản húng Láng, một
loại rau gia vị có mùi hương đặc biệt, không nơi nào có.
Kẻ Láng - trại Yên
Lãng, đã đi vào câu ca lâu đời: “Đi đâu mà chẳng biết ta/ Ta ở kẻ Láng con nhà
trồng rau/ Rau thơm, rau húng, rau mùi/ Thìa là, cải cúc đủ mùi hành hoa”.
Húng Láng là một trong
những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của người Hà Nội, sánh với nhiều vùng: “Cốm
Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”.
Và cô gái kẻ Láng tình
tứ mời gọi: “Ai sang Kẻ Láng thì sang/ Nhớ mua rau húng mà mang về nhà”.
Húng Láng lá nhỏ, thân
tròn, mọc lan thành khóm, mặt lá màu xanh thẫm, cuống và gân lá màu tím, thân
cây đanh lẳn, khi ta hái một lá vò nhẹ trên đầu ngón tay thấy có mùi thơm nhẹ,
sang trọng, quyến rũ và chỉ được trồng ở các vườn đất Láng thì mới có hương vị
đặc biệt ấy. Ngoài các loại rau thơm, vùng Láng còn trồng nhiều cây rau gia vị
khác: Húng nhổi, tía tô, canh giới, hành hoa, cải cúc, xà lách, rau mùi... đều
trở thành đặc sản, có mùi vị rất riêng mà người sành ăn thường kén tìm.
Hành hoa ở Láng có dọc
nhỏ xanh, thân trắng mềm, khi ăn thơm hơn hẳn hành trồng ở nơi khác. Những hàng
phở nổi tiếng ở Hà Nội vẫn kén cho được hành Láng để giữ khách sành ăn - “cá kẻ
Canh, hành kẻ Láng”. Rau diếp Láng lá vàng, mỏng, dài, vị đậm, thường dùng để
thái nhỏ ăn cùng với bún riêu hay cuốn tôm là món đặc trưng tuyệt tác trong
ngày Tết.
Nghề trồng rau thơm
đặc sản ở Láng có những kỹ thuật truyền thống riêng. Đất được chăm bón từ nhiều
năm nên luống đất luôn tơi xốp. Khi cào đất người ta không đánh luống cao như
các nơi khác, mà để luống đất rộng, có gờ bên ngoài để giữ nước. Người Láng
không gọi luống đất mà gọi là “lạnh đất”, không gọi là lạt bó mà gọi là “găm”,
đi hái rau gọi là đi “kiếm hàng”... Người Láng kén chọn từ chiếc lạt bó rau. Mớ
rau gia vị thường nhỏ, được bó bằng chiếc lạt ngắn, sau lại cặp hai mớ nhỏ làm
một - nét đặc trưng dễ nhận của rau làng Láng.
Nghề rau vất vả, người
nào việc nấy, mọi lúc mọi nơi, từ sáng đến tối đều có việc. Đàn ông làm việc
nặng như làm đất, bón tưới. Đàn bà “kiếm hàng”, đi chợ; người già, con trẻ lo
làm cỏ, chẻ lạt... Những năm xưa, nước sông Tô Lịch còn trong xanh, thôn nữ
làng Láng phải gánh nước từ dưới sông để tưới rau lúc trời hạn khô ao làng.
Nghề rau Láng còn
nhiều bí quyết riêng. Chỉ xin nói một chuyện: Vụ cuối năm thường được “gơ thơm”
tức là trồng thơm giống nhưng không được hái ngọn, không được bón tưới nhiều,
cây sẽ bị “bưỡi” (tốt lá), sau đó phủ trấu, rơm, hắt đất tơi nhẹ phủ lên mặt
luống để ủ mầm. Những mầm thơm trắng như giá đỗ chen nhau đâm ra trắng cả mặt
luống sẽ được bứt ra đem dấn nước cho tươi, sau đó đem ra luống đất khác đã
được làm kỹ chuẩn bị sẵn để “gơ mầm” - ngắt ngắn mầm thơm bằng khoảng ngón tay,
sắp khoảng 5-6 đoạn sóng hàng, đặt xuống đất sau đó phủ đất tơi mịn lên trên.
Khoảng 20-30 ngày sau
thì những mầm thơm non búng tua tủa nhoi lên, lúc đó sẽ cho thu hoạch liên tục,
cứ 3-5 ngày một lứa hàng. Trước đây cứ vào dịp Tết Nguyên đán, người Hà Nội sẽ
được thưởng thức loại thơm mầm này của làng Láng cùng những cây xà lách cuốn
chắc nịch như bắp cải, ăn giòn và the mát.
Làng thành phường
nhưng còn lưu ký ức
Cùng với các “đặc sản”
của Hà Nội như hoa Ngọc Hà, thuốc nam Đại Yên, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá,
theo thời gian húng Láng đã dần chìm vào quá khứ.
Đô thị hóa nhanh đến
chóng mặt đã làm cho “tấc đất” trở thành “tấc vàng” theo cả nghĩa đen. Nghề
trồng rau dần bị lãng quên. Rau gia vị đặc sản và Kẻ Láng chỉ còn trong ký ức.
Các bậc cao niên buồn rầu vì bọn trẻ ở làng Láng bây giờ phần nhiều không biết
cả các loại rau gia vị thông thường. Nghe về nghề truyền thống và đặc sản của
làng cứ như nghe câu chuyện cổ tích. Húng Láng giờ chỉ còn trong kỷ niệm, là
niềm tự hào để nhớ về của những người dân Kẻ Láng xưa cũ - âu cũng là xu thế
không thể cưỡng lại của đô thị hóa.
Kẻ Láng xưa nay đã
thành những phường Láng Thượng, Láng Hạ. Nghề trồng rau cũ không còn vì cũng
chẳng còn đất nông nghiệp nữa nhưng dư hương, dư vị về húng Láng, hành Láng,
thơm Láng đã trở thành kinh điển trong từ điển và bản đồ ẩm thực Hà thành.
Những người Kẻ Láng xa quê lâu ngày trở lại có thể mừng vì diện mạo làng đã
khác xưa.
Người Kẻ Láng ngày nay đã không còn sớm hôm “kiếm hàng”, làm rau như những năm xưa nhưng “tính cách làng” đã được bồi đắp, định hình trong mỗi con người từ bẩm sinh vẫn hằng ngày được phát huy - tính cần cù chăm chỉ, tính hoạt bát, tình làng nghĩa xóm bền chặt, văn hóa truyền thống sâu đằm... tất cả hòa trộn trong diện mạo mới của cuộc sống hiện đại. Không những thế, tiếng thơm Kẻ Láng còn tiếp tục được lan xa, hiểu sâu trong những giờ giảng về lịch sử - văn hóa Việt Nam, về truyền thống, về di sản cho sinh viên, học viên cả trong và ngoài nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét