Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

XÂY DỰNG, PHÁT HUY VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TIỀM LỰC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÔNG BINH

       Tiềm lực khoa học công nghệ là thành tố có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng của mọi quốc gia. Những yêu tố cơ bản của tiềm lực khoa học công nghệ là khả năng và trình độ phát triển khoa học công nghệ, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu – phát triển, phổ biến, ứng dụng khoa học công nghệ. Tiềm lực khoa học công nghệ của một tổ chức, một đơn vị là sự kết hợp rất hài hoà giữa năng lực nội tại với năng lực của bên ngoài ( cơ quan đơn vị bạn).
          Là Binh chủng kỹ thuật, từ những ngày đầu mới thành lập, trong những năm  chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo và chỉ huy các cấp trong Binh chủng đã rất coi trọng việc xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, và lực lượng cán bộ KHKT đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ và xây dựng truyền thống của của Binh chủng. Năm 2005 ngành Công trình Quốc phòng – Bộ Tư lệnh Công Binh đã được Nhà nước xét và trao tặng những phần thưởng cao quý về KHCN đó là: giải thưởng Hồ Chí Minh cho  cụm công trình “ Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ trong xây dựng công trình quốc phòng 1956-1975”, giải thưởng Nhà nước cho công trình “ Giải pháp khoa học công nghệ đảm bảo môi trường và xây dựng công trình bảo vệ thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1969-1975”.
Phát huy truyền thống của lớp cán bộ khoa học đi trước trong những năm gần đây lực lượng cán bộ khoa học cũng đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc đảm bảo công binh, xây dựng hệ thống các công trình phòng thủ, bao gồm sở chỉ huy, hầm pháo, hầm tên lửa, hầm máy bay, các công sự, hệ thống cửa đường hầm và hệ thống các công trình trạm dịch vụ kinh tế – KHKT (công trình DK-I). Trong khi thực hiện nhiệm vụ các cán bộ khoa học công nghệ đã đưa ra nhiều giải pháp hợp lý làm giảm chi phí khi thi công, an toàn và nâng cao hiệu quả lao động như đã áp dụng phương pháp sáng tạo khi thi công đường hầm trong môi trường cát, tiến tới việc áp dụng phương pháp “Áo mới” vào trong thi công đường hầm.
Đã tham gia xây dựng hàng trăm km đường, hệ thống các công trình đảm bảo cơ động trên các đảo, hệ thống đường xương cá của đất nước, hệ thống đường tuần tra biên giới. Về đảm bảo vượt sông chỉ tính trong vòng mười lăm năm trở lại đây đã nghiên cứu thiết kế chế tạo và đưa vào trang bị như bộ cầu nổi CN-01, bộ vượt sông nhẹ VSN-1500, xe lội nước XLN-131, cầu giàn thép công binh kiểu Mabey, cải tiến hệ điều khiển của ca nô BMK-T, BMK-130 v.v...
Về đảm bảo kỹ thuật, các nhà máy trong Binh chủng đã sản xuất được nhiều chi tiết yêu cầu kỹ thuật cao, đã cải tiến thuỷ lực hoá máy húc T100, máy xúc E-305. Nghiên cứu, cải tiến hệ điều khiển trên máy đào hào PZM-2, chế tạo guốc cao su cho phà GSP.... hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở 14 đơn vị công binh trực thuộc chỉ  tính từ năm 2002 đến năm 2004 đã có 237 sáng kiến. Tất cả các đơn vị đều triển khai công tác niêm cất dài hạn giai đoạn 2.
Về công tác dò tìm và xử lý bom mìn, giải phóng mặt bằng các vùng biên giới và nhiều vùng phục vụ các chương trình xây dựng kinh tế lớn của Nhà nước, hàng năm đã giải phóng được hàng nghìn ha phục vụ sản xuất và xây dựng. Công tác xử lý bom đạn cấp 5 dần dần đi vào nề nếp, củng cố và xây dựng 3 trung tâm ở ba miền của đất nước. Đã sử dụng lượng nổ lõm để huỷ đạn cấp 5, điều tra thu thập thông tin đánh giá mức độ ô nhiễm bom  mìn trên toàn quốc, nghiên cứu chế tạo máy dò bom Việt Nam, nghiên cứu hệ thống máy tính nhúng phục vụ cho công tác dò tìm bom  mìn...
Lực lượng công binh đã góp phần đáng kể trong nhiệm vụ ứng cứu lũ lụt đảm bảo giao thông nhờ có tiềm lực khoa học mà chúng ta đã làm tốt nhiều việc, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao như đảm bảo giao thông cho sự cố cầu Bến Lức, chống sạt lở đèo Hải Vân, ứng cứu lũ lụt ở Miền Trung năm 1999 hay giải toả giao thông cho cầu Chương Dương trước sự kiện SEAGAME 22. Đảm bảo an toàn cho nhiều Hội nghị Quốc tế và trong nước .v.v.

Nguyên nhân của những thành công trên là do được sự quan tâm sâu sát thường xuyên của Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng, của Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Công binh đến các mặt hoạt động của binh chủng, đặt mục tiêu, xây dựng định hướng đúng, đưa ra các giải pháp thực hiện khả thi đồng thời động viên phát huy nội lực trong điều kiện còn có nhiều thiếu thốn đã hoàn thành nhiều công trình có ý nghĩa to lớn về an ninh quốc phòng góp phần vào việc phát triển chung của quân đội và của đất nước.
Một trong trong những nhân tố quan trọng đó là lực lượng cán bộ khoa học công nghệ chuyên ngành công binh đã say mê nghiên cứu khoa học, tâm huyết với công việc.
Phân viện Kỹ thuật Công binh (khi còn trong đội hình của Binh chủng Công binh) có giai đoạn số cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm tới 30% trong tổng số cán bộ nghiên cứu. Giai đoạn hiện nay 19% quân số là tiến sỹ, và 42% là cán bộ có trình độ sau đại học. Phần lớn các cán bộ nghiên cứu biết một hoặc hai ngoại ngữ, hiểu biết công nghệ thông tin và vận dụng vào trong công tác nghiên cứu.
          Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế Công trình quốc phòng Bộ tư lệnh Công binh có chức năng nhiệm vụ là khảo sát thiết kế các công trình quốc phòng, xây dựng và thu hút được nhiều cán bộ có nhiều kinh nghiệm phần nào đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế nhờ đó mà hoàn thành được khối lượng công việc lớn với chất lượng đảm bảo.
          Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn từ ngày thành lập đến nay đã rất chú trọng xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ toàn diện. Đã ứng dụng nhiều công nghệ và trang thiết bị mới, kết hợp với các cơ sở nghiên cứu trong nước mở nhiều đề tài nghiên cứu thiết thực góp phần vào công tác xử lý môi trường-vật nổ một cách hiệu quả.
Trong xây dựng công trình biển – DKI với những nội dung khoa học mang tính đa ngành, Ban quản lý các công trình DKI đã động viên, phối kết hợp được tiềm lực của nhiều cơ quan đơn vị. Đặc biệt phải kể đến công tác xây dựng, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình DK-I, đặc điểm của công trình này rất phức tạp xây dựng trên nền san hô, điều kiện môi trường biển; do đó đã huy động tổng lực các chuyên gia của nhiều ngành và nhiều cơ quan trong và ngoài quân đội phục vụ cho nhiệm vụ chính trị to lớn này như  Viện NCKH &TK - XNLD Vietsovpetro, Công ty TK và XD dầu khí (PVECC)-TCTDKVN, Viện xây dựng công trình biển-Đại học XDHN, Trung tâm KT các CTĐB-Học viện KTQS/BQP, Viện Cơ học-Viện KH&CN VN, Trung tâm KTTVB-Tổng cục KTTV....
          Phòng công trình Quốc phòng với nhiệm vụ quản lý-thẩm định các dự án hệ thống công trình phòng thủ, sở chỉ huy, căn cứ, hệ thống các công trình đảm bảo cơ động, hệ thống đường tuần tra, thời gian gần đây không chỉ phát huy tốt nội lực vốn có đồng thời đã huy động nhiều nguồn lực cùng lực lượng cán bộ khoa học của Phân viện và Trung tâm TVKSTK, các tổ chức khác như Khoa Công trình, Trung tâm KT các công trình đặc biệt Học viện KTQS...
          Một trong những thành phần của tiềm lực khoa học là hệ thống các phòng thí nghiệm ở các học viện, nhà trường, các cơ quan và tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ, các quân chủng, binh chủng và các ngành kỹ thuật, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất quốc phòng, các phòng đo lường kiểm chuẩn, các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, khảo sát thiết kế chỉ tính riêng Phân viện Kỹ thuật Công binh trong những năm qua được đầu tư Phòng thí nghiệm công binh với giá trị gần 6 tỷ đồng bước đầu đã đáp ứng được cho công tác nghiên cứu. Ngoài thiết bị thí nghiệm còn có hệ thống máy móc phục vụ cho công tác khảo sát thiết kế, máy toàn đạc điện tử, máy xác định toạ độ GPS, máy đo xa, các thiết bị xác định tính chất cơ lý của vật liệu xây dựng và đất. Hệ thống máy tính, máy vẽ, máy quét, máy in và các phần mềm phục vụ phân tích kết cấu, thiết kế đường, nền móng, cống và các phần mềm lập dự toán. Xây dựng bản đồ kỹ thuật số về địa lý quân sự công binh.

          Xuất phát từ nhiệm vụ của binh chủng, thực trạng về trang bị, khả năng đầu tư ngân sách của Bộ Quốc Phòng và các nguồn khác của Binh chủng, căn cứ vào kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ vừa qua để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn tới cần có giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ công binh.

          1- Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ công binh là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam XHCN, gắn bó với sự nghiệp cách mạng, có trình độ cơ bản vững chắc, nắm vững thế giới quan, phương pháp luận chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và biết vận dụng trong công tác và hoạt động thực tiễn, có bản lĩnh hành động tốt, có khả năng tự học theo tinh thần giáo dục liên tục và học tập suốt đời, nắm vững công cụ mới: tin học, ngoại ngữ và các phương tiện tiên tiến khác. Đội ngũ này phải đủ sức giải quyết các nhiệm vụ do thực tiễn công tác kỹ thuật và sản xuất quốc phòng đặt ra, đồng thời có khả năng tiếp cận, thích ứng với công nghệ mới được chuyển giao và tiến tới sáng tạo những công nghệ mới. Đặc biệt là phải có năng lực ra những quyết định sáng tạo trong các tình huống không ngừng biến động của hoàn cảnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kỹ thuật công binh và công nghiệp quốc phòng trong tương lai.
          2- Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của binh chủng về số lượng, đối với từng lĩnh vực, về trình độ chuyên môn, cơ cấu hợp lý ở từng đơn vị, nhà máy, trung tâm và viện nghiên cứu. Hoàn thiện quy trình đào tạo trong Trường sỹ quan Công binh và trường sơ cấp Kỹ thuật Công binh, nghiên cứu đề xuất công tác tuyển sinh, xây dựng đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình giảng dậy, hệ thống giáo trình tài liệu, chương trình thực hành, bảo đảm  cơ sở vật chất cho đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, rèn luyện học viên.
3- Bồi dưỡng cho lớp cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu tích luỹ kinh nghiệm và có phương pháp luận về nghiên cứu khoa học. Giáo dục cho các cán bộ NCKH trẻ thấm nhuần tư tưởng học tập và làm việc tiến hành song song trong suốt thời gian làm công tác nghiên cứu, từ bỏ quan niệm cũ Đào tạo-làm việc.
Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức về công nghệ thông tin để có thể khai thác tốt các thông tin trên Internet, sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý, chỉ huy điều hành và công tác nghiên cứu. Gắn đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn về lý luận của các cán bộ nghiên cứu bằng cách tiếp tục cử đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ theo kế hoạch đồng thời tìm hướng nâng cao trình độ công nghệ và quản lý bằng cách đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Đào tạo bồi dưỡng cho các cán bộ khoa học công nghệ làm nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo ở các đơn vị sản xuất lớn để họ có thể đảm đương được các nhiệm vụ như một tổng công trình sư, kỹ sư trưởng hay cán bộ thiết kế có tay nghề cao, hiểu biết pháp luật, biết quy luật kinh tế, có năng lực quản lý nhân viên, thành thạo trong chuyên môn nghiệp vụ của mình. Kết quả cuối cùng là ta sẽ xây dựng được một lực lượng cán bộ nghiên cứu mạnh.

4- Việc tăng cường liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với nhu cầu phát triển KHCN của Binh chủng là hết sức có ý nghĩa trong khi Bộ Tư lệnh không có đơn vị nghiên cứu thuộc quyền. Chỉ có xây dựng được mối quan hệ này bền vững mới có thể tập trung được lực lượng khoa học chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của các ngành kỹ thuật Công binh. Để xây dựng bền vững mối quan hệ nêu trên ngoài những cơ chế về tổ chức thực hiện cần phải xây dựng tiềm lực nội tại trong Binh chủng đủ sức định hướng, tiếp nhận, đề xuất, tổ chức các nội dung nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Cùng với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Quân đội phát huy cao độ lực lượng cán bộ, duy trì và khai thác tốt các cơ sở thí nghiệm hiện có, đồng bộ hoá và có sự cải tiến phù hợp để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu trước mắt. Đồng thời cần đầu tư có trọng điểm phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai.
5- Công tác thông tin: các đoàn đi công tác nước ngoài, tham gia hội thảo khoa học quốc tế cần phổ biến rộng cho các cho các đơn vị nghiên cứu có chuyên môn liên quan về những thông tin về trang thiết bị mới, vật liệu mới, về kết cấu mới, công nghệ và phương pháp thi công mới phổ biến cho lớp cán bộ trẻ không có điều kiện tiếp cận với những nguồn thông tin quý báu này. Kiện toàn lại thư viện, đầu tư tăng cường tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu. Duy trì chất lượng nội dung tạp chí thông tin khoa học – công nghệ công binh và tạp chí chuyên đề kỹ thuật và trang bị. Xây dựng hệ thống mã số cho các đề tài, nhiệm vụ vừa có ý nghĩa bảo mật và phục vụ tốt công tác quản lý lưu trữ hồ sơ các đề tài, nhiệm vụ và dự án, có tác dụng chuyển giao khi có nhu cầu, là nguồn thông tin quý giá phục vụ để phát triển chuyên ngành.
6- Có chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học, tăng cường đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cả về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, áp dụng nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng cán bộ khoa học kịp thời. Tôn vinh địa vị xã hội các nhà khoa học và các chuyên gia công nghệ hàng đầu. Tổ chức các hội thảo cho các nhà khoa học bày tỏ ý tưởng và chính kiến của mình, tạo cơ hội cho các nhà khoa học tham gia hợp tác quốc tế, thăm các triển lãm thành tựu phát triển KHCN trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu yêu cầu và nhiệm vụ của binh chủng trong giai đoạn mới cần phải xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ: về số lượng và cơ cấu hợp lý đặc biệt về chất lượng để họ có năng lực ra những quyết định sáng tạo trong các tình huống không ngừng biến động của hoàn cảnh. Duy trì khai thác tốt các cơ sở thí nghiệm hiện có, cải tiến phù hợp để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu trước mắt và đầu tư bổ sung có trọng điểm để phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai. Coi trọng hợp tác nghiên cứu đa ngành với các cơ quan trong và ngoài quân đội kể cả hợp tác quốc tế để phổ biến và ứng dụng khoa học công nghệ công binh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét