Ngày 10-2-2014, tức ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tại đình Thụy Trà xã Nam Trung, Nam Sách (Hải Dương), cán bộ và nhân dân địa phương đã tổ chức Khai hội mùa xuân tưởng niệm Thành hoàng làng là tướng quân Phạm Chiêm và Phạm Hoà, những người có công lao to lớn giúp Ngô Vương Quyền đánh đuổi giặc Nam Hán thế kỷ thứ X, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc.
Lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng các dòng họ các thôn làng của xã Nam Trung huyện Nam Sách; Bà Phạm Thị Thúy Lan- Phó Chủ tịch Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam; đại diện Hội đồng họ Phạm các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương… cùng nhiều hậu duệ của tướng công Phạm Chiêm, các thế hệ người họ Phạm ở nhiều địa phương trong toàn quốc đã về dự. Ban quản lý Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng ở Lương Sử, Quốc tử Giấm, quận Đống Đa, Hà Nội cũng về dự.
Là vị tướng tài và là anh em kết nghĩa với Ngô Quyền, được trọng dụng và phong đến chức Đông Giáp tướng quân (tướng cai quản vùng xứ Đông). Khi lên ngôi, Ngô Quyền đã dùng Phạm Chiêm (tức Phạm Lệnh Công) làm tướng, cử đi đánh giặc ở Thành Đại La, diệt Kiền Công Tiễn và chặn đánh quân Nam Hán, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, chấm dứt ách đô hộ của Nam Hán. Sau khi Ngô Quyền mất, nạn Dương Tam Kha nổi lên. Phạm Chiêm lại có công lao bảo vệ triều chính, che chở Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) khỏi bị Dương Tam Kha đuổi bắt, để rồi sau đó cùng em là Ngô Xương Văn, giành lại vương, cai quản đất nước…Khi mất, Phạm Lệnh Công được triều đình đã sắc phong làm Thành hoàng và cho lập nơi thờ tự tại vùng đất Trà Hương, nơi Ngài được phong cấp từ thời Ngô vương Quyền.
Con cháu của Ngài nhiều người là quan và tướng giỏi của đất nước, như: Tham chính đô đốc Phạm Mạn (con), Tướng quân Phạm Bạch Hổ (con), Tướng quân Phạm Hạp(cháu), Thái úy Phạm Cự Lượng (cháu), Phạm Thị Ngọc Dung (cháu)… Đông Giáp tướng quân Phạm Lệnh Công là một trong những viễn tổ của dòng họ Phạm có nhiều công lao to lớn với đất nước.
Đình Thụy Trà nơi thờ Phạm Lệnh Công được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 17 với quy mô lớn. Trong chống Pháp đình là cơ sở cách mạng. Đến những năm 1958-1962, Đình đã bị hạ giải để làm trường học, trạm xá, cầu cống…Đến năm 1990 được nhân dân cùng hậu duệ công đức xây dựng lại, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều. Tại đình Thụy Trà vẫn còn lưu giữ được những cổ vật, sắc phong…có giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nên đã được tỉnh xếp hạng di tích LSVH tháng 2-2013.
Lễ hội di tích LSVH đình Thụy Trà được tổ chức ngày 11, 12 tháng Giêng Âm lịch, với những nghi thức trọng thể và nhiều trò chơi dân gian. Dịp này, các dòng họ trong làng xã cùng hậu duệ của tướng quân ở khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc đã về dâng hương, góp công góp của cùng nhân dân để tiếp tục tu bổ tôn tạo di tích, cho xứng đáng với công đức to lớn của những vị khai quốc công thần nhà Ngô. Sau buổi Lễ, có cuộc gặp mặt giao lưu đầu tiên thân tình và cảm động giữa ba nơi thờ Thái úy Phạm Cự Lượng: HĐ Họ Phạm xã Nam Trung, Họ Phạm hậu duệ của Thái úy Phạm Cự Lượng (Phạm Mậu Chuân) tại huyện Yên Khánh – Ninh Bình và Ban quản lý Đền Lương Sử – Hà Nội cùng đại diện của HĐTQ Họ Phạm Việt Nam.
Bài và ảnh: Phạm Văn Chức
Phó chủ tịch kiêm TTK Hội đồng họ Phạm tỉnh Hải Dương
Một số hình ảnh tại buổi Lễ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét