Các “vấn đề” nghiên cứu khoa học thường được hình thành
trong các tình huống sau:
* Quá trình nghiên cứu, đọc và thu thập tài liệu nghiên cứu
giúp cho nhà khoa học phát hiện hoặc nhận ra các “vấn đề” và đặt ra nhiều câu
hỏi cần nghiên cứu (phát triển “vấn đề” rộng hơn để nghiên cứu). Đôi khi người
nghiên cứu thấy một điều gì đó chưa rõ trong những nghiên cứu trước và muốn
chứng minh lại. Đây là tình huống quan trọng nhất để xác định “vấn đề” nghiên
cứu.
* Trong các hội nghị chuyên đề, báo cáo khoa học, kỹ thuật,
… đôi khi có những bất đồng, tranh cải và tranh luận khoa học đã giúp cho các
nhà khoa học nhận thấy được những mặt yếu, mặt hạn chế của “vấn đề” tranh cải
và từ đó người nghiên cứu nhận định, phân tích lại và chọn lọc rút ra “vấn đề”
cần nghiên cứu.
* Trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người
với tự nhiên, qua hoạt động thực tế lao động sản xuất, yêu cầu kỹ thuật, mối
quan hệ trong xã hội, cư xử, … làm cho con người không ngừng tìm tòi, sáng tạo
ra những sản phẩm tốt hơn nhằm phục vụ cho nhu cầu đời sống con người trong xã
hội. Những hoạt động thực tế này đã đặt ra cho người nghiên cứu các câu hỏi hay
người nghiên cứu phát hiện ra các “vấn đề” cần nghiên cứu.
* “Vấn đề” nghiên cứu cũng được hình thành qua những thông
tin bức xúc, lời nói phàn nàn nghe được qua các cuộc nói chuyện từ những người
xung quanh mà chưa giải thích, giải quyết được “vấn đề” nào đó.
* Các “vấn đề” hay các câu hỏi nghiên cứu chợt xuất hiện
trong suy nghĩ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu qua tình cờ quan sát
các hiện tượng của tự nhiên, các hoạt động xảy ra trong xã hội hàng ngày.
* Tính tò mò của nhà khoa học về điều gì đó cũng đặt ra các
câu hỏi hay “vấn đề” nghiên cứu.