http://s60.photobucket.com/user/daidien/library/doandaodapneo?sort=3&page=1
https://picasaweb.google.com/116613194910096830719/KyNiem30NamTuoiBoOiOanAoApNeo?authkey=Gv1sRgCIP3jL7Et4ieGg&noredirect=1
Hình ảnh kỷ niệm 30 năm về nơi đóng quân
http://doandaodapneo.com/forum/lofiversion/index.php?t332.html
Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013
Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013
Tôn tạo mộ Thái uý Phạm Cự Lượng tại Yên Ninh, Yên Khánh, Ninh Bình
Ngày 26.5.2013 (tức 17 tháng 4 năm Quý Ty), Ban Quản lý Di tích Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng cùng Hội đồng Gia tộc Họ Phạm Trọng, Phạm Mậu, Phạm Đăng tại thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ khánh thành tu bổ tôn tạo phần mộ Thái uý Phạm Cự Lượng Tới dự Lễ có ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh, ông Phạm Xuân Kháng, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Yên Khánh, ông Phạm Quốc Chỉnh, Chủ tịch MTTQ huyện Yên Khánh; ông Lại Văn Luân- P.Chủ tịch UBND thị trấn Yên Ninh, Trưởng Ban Quản lý Di tích, ông Phạm Trọng Trụ-Chủ tịch MTTQ cùng đại diện chính quyền đoàn thể Thị trấn Yên Ninh. Đặc biệt, có hơn 60 vị trong Ban Quản lý và đệ tử của Đình Lương Sử nơi thờ Thái uý Phạm Cự Lượng tại phố Lương Sử, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội cùng đại diện MTTQ phường Văn Chương và nhân dân của phố Lương Sử về dự. Về phía Họ Phạm có ông Phạm Ngũ Thạo, Phó Chủ tịch HĐ Họ Phạm tỉnh Ninh Bình cùng HĐ họ Phạm huyện Yên Khánh, HĐGT họ Phạm Mậu, Phạm Trọng, Phạm Đăng tại Thị trấn Yên Ninh, ông Phạm Mậu Ngọ, người trực tiếp trông coi mộ Thái úy Phạm Cự Lượng từ mấy chục năm nay, cùng đông đảo bà con Họ Phạm ở Thị trấn Yên Ninh và nhân dân các họ trong vùng đã có mặt dự buổi Lễ trọng thể này.
Để đi được tới buổi Lễ hôm nay là cả một câu chuyện dài, một câu chuyện tình nghĩa thật xúc động.
Thái úy Phạm Cự Lượng (hay Phạm Cự Lạng sinh năm 944) người làng Trà Hương, nay là Thụy Trà, huyện Nam Sách, Hải Dương, là quan đại thần của triều Đinh (968-980). Năm 980, khi thế nước cần có người tài giỏi cầm quân diệt giặc Tống xâm lược giữ yên bờ cõi, ông đã phò Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi và trở thành trụ cột của triều Tiền Lê, có nhiều công trong việc đánh Tống, bình Chiêm và xây dựng đất nước khi dẹp xong giặc. Ông là người có nhiều công tích lại thanh liêm chính trực được người trần cũng như người âm kính nể, nên năm 1037, nghĩa là sau khi ông mất 4-50 năm, vua Lý Thái Tông tuân theo ý của Thượng đế do sứ giả nhà Trời truyền đạt, đã phong tước vương cho ông là “Hồng Thánh Đại Vương” (hay Hoằng Thánh đại vương”, chữ “Hồng” với nghĩa là “lớn”) trông coi việc sử kiện và sai hữu ty dựng đền ở phía tây nam kinh thành Thăng Long để “tuế thời cúng tế” – đó chính là Đền Lương Sử (còn gọi là Đình Lương Sử) – cũng gọi là “Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng”, tại ngõ Lương Sử, phường Văn Chương, quận Đống Đa ngày nay. Như vậy, ngôi Đền này được dựng trước khi xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám 23 năm, từ đó đến nay, qua nhiều biến động của lịch sử, mặc dù bị thu hẹp lại chỉ còn khoảng ¼, nhưng ngôi đền đó vẫn tồn tại trên vị trí được định đầu tiên. Thái úy Phạm Cự Lượng khi sống là quan đầu triều, sau khi chết lại là thần giữ nhiệm vụ đem lại sự công bằng, bình yên cho xã tắc! Chúng ta thật tự hào về tiền nhân của dòng họ mình!
Mộ Thái úy Phạm Cự Lượng. Ở khắp nước ta có nhiều nơi thờ Thái úy Phạm Cự Lượng. Ngoài Đình Lương Sử, đáng chú ý hơn cả là Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng (Phạm Mậu Chuân) tại thôn Thị Lân, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Chính sử thì không ghi ông mất năm nào, còn các sắc phong ở các nơi thờ ông thì có một chút khác nhau. Hầu như các nơi đều ghi là ông mất năm 984 sau một trận sốt rét nặng, mà ngày nay ta gọi là sốt rét ác tính, ông không có hậu duệ. Nhưng tài liệu của Ban nghiên cứu Lịch sử tỉnh Ninh Bình thì lại nói rằng năm đó ông không chết mà đến năm 998, tức 14 năm sau ông mới mất do sét đánh. Điều đó cũng có phần phù hợp với chính sử vì Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi rõ: tháng 10 năm 986 ông được Vua Lê Hoàn phong Thái úy, như vậy ông không thể mất năm 984 được. Cũng theo tài liệu này, thì sau năm 984 ông mang tên là Phạm Mậu Chuân. Sau khi ông mất, năm 998, con cháu đã chôn cất ông tại Gò Mả Hà, sau vì gò này có mả ông là “ông Quan” nên được gọi là Gò Mả Quan, thuộc xóm Mả Hà, xã Khánh Ninh ngày nay. Dân chúng vùng này gọi là “Mộ Quan Mòi”, “mộ thái úy Phạm Mậu Chuân”. Ngôi mộ này có một nét đặc biệt là được xây nổi trên mặt đất. Ông được thờ ngay tại Ngôi nhà mà ông đã xây dựng để thực hiện việc triều chính cùng Vua Lê tại Xóm Mòi. Khi Vua Lê mất, dân trong vùng cũng thờ Vua Lê Đại Hành tại ngôi nhà này, ngôi nhà đó sau được gọi là Đền Nội. Về sau do có những biến đổi về địa lý, hành chính, ngôi Đền được di chuyển đến thôn Thị Lân như hiện nay. Ngôi đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng này đã được công nhận Di tích LSVH ngày 11.2.2010 – tại đây ông được thờ với vai trò là vị Khởi Tổ của dòng họ Phạm ở vùng này. .
Chính vì thế, lâu nay không ai thấy mộ Phạm Cự Lượng. Theo thần phả và lời đồn, các cụ trong Ban Quản lý Di tích Đình Lương Sử đã vài lần về tận Bồ Sơn, Ninh Bình tìm mộ Ông mà không thấy, đó là nỗi niềm canh cánh bên lòng của các cụ ở Lương Sử. Sau khi BLL họ Phạm VN mà trực tiếp là BBT Bản tin nội tộc tìm hiểu, thấy tại Thị Lân có mộ Ông dưới tên Phạm Mậu Chuân, đã thông báo các cụ ở Lương Sử biết, đồng thời báo cho họ Phạm ở Yên Ninh biết có ngôi đền từ cổ xưa thờ Thái úy ở Lương sử – Hà Nội để hai nơi liên hệ với nhau, tìm hiểu kết nối. Thực ra, đây không phải là kết nối dòng họ vì tại Lương Sử không có họ Phạm gốc, trăm họ yêu quý Đức Thánh mà thờ phụng và chăm chút, gìn giữ Đền thờ chứ không phải là hậu duệ hoặc họ hàng, hơn nữa, tại đây mọi người vẫn cho rằng Hồng Thánh đại vương không có hậu duệ. Mặc dù thấy trong tiểu sử Thái úy ở Ninh Bình có đôi điều sai khác về đoạn cuối đời của Ngài (năm mất, ngày giỗ), nhưng các cụ trong Ban Quản lý cùng đệ tử của Đình Lương Sử vẫn có phần tin rằng vị thánh mà hai nơi đang thờ phụng có nhiều căn cứ để nói là một người. Và hậu duệ ông tại Yên Khánh, Ninh Bình từ đó cũng về hương khói ông tại Đình Lương Sử. Quan hệ giữa các cụ ở Lương Sử và họ Phạm ở Yên Ninh ngày càng thân thiết. Tổng Biên tập Bản tin Thông tin họ Phạm VN hết sức vui mừng vì điều này.
Ngày 6.10.2012 (tức 21 tháng 8 năm Nhâm Thìn), gần 60 người gồm Ban Quản lý Di tích Đình Lương Sử, nhân dân làng Lương Sử xưa và phường Văn Chương ngày nay cùng các đệ tử của Đình đã về thăm mộ Ngài và bà con ở Thị trấn Yên Ninh. Phó Chủ tịch HĐ Toàn quốc- TBT Bản tin Thông tin Họ Phạm Việt Nam Phạm Thị Thúy Lan và Trưởng Ban Lễ tân HĐ Toàn quốc Họ Phạm VN Phạm Nghị cùng đi với đoàn. Cuộc thăm viếng và gặp gỡ thật cảm động. Nhiều vị đã không cầm được nước mắt khi tìm thấy Mộ Thánh mà lâu nay vẫn khao khát được thăm nom, lại xót xa khi thấy ngôi mộ xuống cấp và bị các ngôi mộ bên cạnh che khuất. Bà con bảo nhau tìm cách tu bổ tôn tạo lại ngôi mộ cho xứng với công lao và vị thế của Ngài. Một cuộc quyên góp được bà con tự nguyện tổ chức bắt đầu từ đó.
Ngày 17.3.2013, có hai bà là đệ tử của Đình Lương Sử cung tiến 20 triệu cho việc tu sửa mộ Thánh Đó là:
1/ Bà Phạm Thị Thùy Dương, ở số 240 phố Bạch Đằng, phường Chương Dương, q. Hoàn Kiếm, cung tiến 10 triệu đồng
2/ Bà Phạm Thị Mai Phương, P.206, Tập thể số 2, Hoàng Ngọc Phách, phường Láng Hạ, Q. Đống Đa, Hà Nội, cung tiến 10 triệu đồng.
Ông Phạm Trọng Thi, hậu duệ của Thái úy Phạm Cự Lượng- Phạm Mậu Chuân, đã lên Đình Lương Sử nhận số tiền này, khi đó còn nhiều bà con góp thêm, đó là những đồng tiền đầu tiên từ Đình Lương Sử cùng những đóng góp công của của bà con ở Yên Ninh để ngày 5.4.2013 (tức 25 tháng 2 Quý Tỵ) khởi công tu tạo mộ Thái úy. Sau 52 ngày, đến 26.5.2013 (17 tháng 4 Quý Tỵ), ngôi mộ mới đã hoàn thành. Tới thời điểm khánh thành ngôi mộ, 52 bà con ở khu vực Lương Sử, kẻ ít người nhiều đã đóng góp tới hơn 45 triệu, trong đó ngoài hai bà đã kể trên còn có ông Trần Trung Quang, góp 5 triệu đồng, ông Trần Văn Hoan 1 triệu…. Thật là những tấm lòng thơm thảo của trăm họ! Lễ khánh thành phần Mô diễn ra trong một ngày nắng nóng gay gắt, bà con từ Hà Nội về phần nhiều là cao tuổi, nhưng ai cũng thấy mát lòng khi nhìn thấy “Ngôi nhà mới” của Thánh đã khang trang, tuy chưa được rộng rãi như ý vì điều kiện chưa cho phép. Mọi người càng cảm thấy yên lòng hơn khi mình đã có ít nhiều đóng góp cho “ngôi nhà” đầy ý nghĩa đó!
Tại buổi Lễ khánh thành, cụ Nguyễn Đình Vinh, Thủ từ Đình Lương Sử đã thay mặt bà con từ Hà Nội về chúc mừng công trình đã hoàn thành, nói lên niềm vui của bà con trước sự kiện này. Cụ cũng nói sơ lược về quá trình xây dựng, tu bổ, sửa chữa, quản lý Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng tại làng Lương Sử gần một ngàn năm qua, mong muốn có sự gắn bó hơn nữa giữa hai nơi thờ cúng Ngài. Ông Lại Văn Luân- P.Chủ tịch UBND thị trấn Yên Ninh, Trưởng Ban Quản lý Di tích Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng tại Yên Ninh phát biểu cảm ơn sự quan tâm nhiệt tình của Ban Quản lý Đình Lương Sử và bà con nhân dân làng Lương Sử cùng đệ tử của Đình Lương Sử đã hết lòng đóng góp cùng nhân dân Yên Ninh tu bổ mộ Thái úy được như hôm nay và đã quản lý chăm sóc Đình Lương Sử, nơi thờ Thái úy từ bao năm nay.
Trong bữa thụ lộc, mọi người còn tiếp tục giao lưu vui vẻ như những người thân lâu ngày gặp lại.
Chúng ta thật vui mừng, bởi công đức của các vị tiền nhân không những đã góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước xưa kia mà còn lưu giữ và lan tỏa đến hôm nay để liên kết cháu con trăm họ gắn bó với nhau cùng hướng về cội nguồn và hoàn thành được những công việc có ý nghĩa cao cả mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc.
Phạm Thúy Lan
(Theo tin của HĐ Họ Phạm Ninh Bình. Ảnh: PTL và Đinh Xuân Toàn)
Dưới đây là một vài hình ảnh về việc bà con Đình Lương Sử về thăm mộ Thái úy tại Yên Ninh năm 2012 và Lễ khánh thành tu bổ tôn tạo Mộ Thái úy Phạm Cự Lượng ngày 26.5.2013.
Thăm Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng ngày 10.6.2012 (ảnh lưu niệm giữa đoàn BQL và bà con làng Lương Sử – Hà Nội với BQL và bà con họ Phạm Yên Ninh, Ninh Bình)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)